Lợi ích đối với doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng CISG
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí và thời gian đàm phán lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng.
Khi Việt Nam trở thành thành viên của Công ước Viên 1980, các thương nhân Việt Nam và các đối tác của họ tại 93 quốc gia thành viên khác trên thế giới sẽ có một khung pháp lý thống nhất, được áp dụng một cách tự động cho hợp đồng của mình.
Thứ hai, giảm bớt các khó khăn và chi phí khi luật được lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng là luật nước ngoài.
Trong trường hợp phải áp dụng luật nước ngoài, thương nhân Việt Nam có thể gặp những rủi ro pháp lý và mất thời gian để tìm hiểu hoặc mất chi phí thuê tư vấn luật để giải thích luật nước ngoài đó. Trong khi đó, chi phí và thời gian để tìm hiểu CISG là ít hơn rất nhiều so với luật nước ngoài, vì các doanh nghiệp/luật sư tư vấn có thể tham khảo rất dễ dàng và miễn phí các hệ thống cơ sở dữ liệu vô cùng phong phú về CISG.
Thứ ba, tránh được việc phải sử dụng đến quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp đồng.
Quy phạm luật xung đột thường là khác nhau ở các quốc gia, vì thế, việc áp dụng các quy phạm này thường dẫn đến tính khó dự đoán trước được về nguồn luật áp dụng, gây khó khăn đáng kể cho các bên tranh chấp. Đáng lưu ý là CISG chỉ áp dụng nếu các bên trong hợp đồng không có thỏa thuận khác và CISG không áp đặt hay làm ảnh hưởng đến quyền tự quyết trong lựa chọn luật áp dụng của các bên.
Thứ tư, có được một khung pháp lý hiện đại, công bằng và an toàn để thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế và có căn cứ hợp lý để giải quyết tranh chấp nếu phát sinh.
Công ước Viên năm 1980 đã đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết hầu hết mọi vấn đề pháp lý có thể phát sinh trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như: giá trị pháp lý, thời hạn hiệu lực của chào hàng hay của chấp nhận chào hàng; quyền và nghĩa vụ của người bán, người mua; các biện pháp mà một bên có được khi bên kia vi phạm hợp đồng…
Thứ năm, việc các bên giao kết thực hiện hợp đồng trên một cơ sở luật chung thống nhất (mà không phải là luật quốc gia của một trong hai bên) tạo nên sự bình đẳng về mặt pháp lý giữa hai bên.
Theo đánh giá của các luật gia và các chuyên gia về luật hợp đồng thương mại quốc tế, các điều khoản của Công ước Viên năm 1980 còn tạo được sự bình đẳng về nội dung giữa người mua và người bán trong quan hệ hợp đồng. Vì thế, dù là người bán hay người mua, Công ước này đều trở thành một khung pháp lý hữu hiệu và an toàn để giải quyết các tranh chấp phát sinh, nếu có.
Trường hợp áp dụng CISG cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là doanh nghiệp Việt Nam
Theo quy định của CISG và thực tiễn hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có 04 trường hợp CISG được áp dụng:
(1) Khi các bên có địa điểm kinh doanh tại các quốc gia là thành viên của CISG (theo Điều 1.1.a CISG); hoặc
(2) Khi theo các quy tắc tư pháp quốc tế thì luật được áp dụng là luật của nước thành viên CISG (theo Điều 1.1.b CISG); hoặc
(3) Khi các bên lựa chọn CISG là luật áp dụng cho hợp đồng của mình; hoặc
(4) Khi cơ quan giải quyết tranh chấp lựa chọn CISG làm luật áp dụng.
Trường hợp (1) ở trên là trường hợp áp dụng CISG phổ biến nhất. Theo đó, kể từ thời điểm CISG có hiệu lực tại Việt Nam (01/01/2017), những hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được giao kết bởi doanh nghiệp Việt Nam sẽ được điều chỉnh bởi CISG trong trường hợp bên còn lại có địa điểm kinh doanh tại quốc gia là thành viên của CISG.
Ví dụ, hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với bên còn lại có trụ sở ở Pháp, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada, Australia… được điều chỉnh bởi CISG, trừ khi các bên trong hợp đồng thống nhất loại trừ việc áp dụng CISG.
CISG còn có thể được áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mà một bên là doanh nghiệp Việt Nam theo trường hợp (2) ở trên. Trường hợp này thường xảy ra khi một bên của hợp đồng có trụ sở tại một quốc gia thành viên trong khi bên còn lại có trụ sở tại một quốc gia chưa phải là thành viên CISG.
Dựa trên nguyên tắc tự do lựa chọn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng và cho hợp đồng dân sự nói chung được thừa nhận rộng rãi trong tư pháp quốc tế của nhiều quốc gia, các bên của hợp đồng, dù cho có trụ sở tại quốc gia thành viên hay chưa, có quyền lựa chọn CISG như là luật áp dụng của mình. Đây là trường hợp (3) áp dụng CISG.
Trường hợp thứ 4 khá phổ biến khi tòa án quốc gia, hay trọng tài quốc tế quyết định áp dụng CISG như là:
- Luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi các bên của hợp đồng không lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng;
- Một nguồn luật bổ sung cho một luật quốc gia đã được lựa chọn.
So sánh giữa CISG và pháp luật Việt Nam về hợp đồng mua bán hàng hóa
Minh Đức
Đọc thêm: Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên 1980 – CISG) – Phần 1