“Lạm phát” giá cả nguyên vật liệu
Các thành phần nguyên liệu quan trọng nhất cấu thành nên một thiết bị năng lượng điện mặt trời bao gồm polysilicon, thép, nhôm, chip bán dẫn, đồng và các kim loại khác. Tuy nhiên kể từ đầu năm đến nay, các thành phần này ngày càng rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung và giá cao ngất ngưởng.
Cụ thể, giá của các mặt hàng kim loại như thép, nhôm, đồng trên thị trường toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi đại dịch bắt đầu. Trong đó, giá thép cuộn cán nóng Mỹ đã chạm mốc 1.500 USD/tấn (06/05), mức cao kỷ lục trong vòng 20 năm qua, sau khi chạm đáy khoảng 460 USD vào cuối năm ngoái. Cùng với đó, giá thép thường chiếm đến ⅔ giá trị một thiết bị năng lượng mặt trời. Vì vậy, giá của các thiết bị giá đỡ và thiết bị theo dõi năng lượng mặt trời đã bị đẩy lên mức cao ngất ngưỡng, đồng thời tình trạng thiếu hụt ngày càng một nghiêm trọng hơn.
Ở một diễn biến khác, ngành công nghiệp chip đang trải qua thời kỳ khủng hoảng nhất từ trước đến nay khi nguồn cung chip bị thiếu hụt trên phạm vi toàn cầu. Bên cạnh đó, do đặc thù của ngành, tình hình cung cầu của polysilicon gần như chưa bao giờ đạt được trạng thái cân bằng từ trước đến nay, trong khi mặt hàng này đã tăng gấp 2 lần kể từ đầu năm.
Chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã gây áp lực không nhỏ cho giới đầu tư năng lượng mặt trời Mỹ, đặc biệt là đối với các dự án đã ký kết hợp đồng từ trước.
Sự chậm trễ trong giao hàng
Bên cạnh giá cả hàng hóa cao, sự chậm trễ trong giao hàng là yếu tố quan trọng tiếp theo tác động mạnh mẽ đến ngành năng lượng mặt trời Mỹ.
Từ hồi đầu năm nay, toàn cầu đã phải đối mặt với tình trạng mất cân bằng container nghiêm trọng. Cụ thể, ở thị trường châu Á đã xảy ra tình trạng thiếu hụt container trên diện rộng, trong khi đó, các cảng ở châu Âu, hay Mỹ lại thường xuyên bị tắc nghẽn. Điều này đã đẩy giá cước container lên mức cao chưa từng thấy, kéo theo tình trạng chậm trễ trong giao hàng xảy ra thường xuyên hơn, đặc biệt là các chuyến từ Trung Quốc, Đông Nam Á sang Mỹ và châu Âu.
Trong khi, hầu hết nguồn cung kim loại sắt, thép, nhôm của Mỹ đều được nhập khẩu từ các thị trường châu Á. Vì thế, chi phí nguyên vật liệu cho nhà sản xuất đã tăng đáng kể khi châu Á xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đã tiến hành báo cáo tình trạng chậm trễ trong lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, do nguyên vật liệu không đến kịp thời đã làm gia tăng các chi phí chờ đợi như chi phí nhân công nhàn rỗi, hay chi phí vận hành.
Tác động đến ngành năng lượng mặt trời Mỹ
Dưới tác động kép của giá cả nguyên vật liệu và thời gian giao hàng, ngành năng lượng mặt trời Mỹ dự báo sẽ phải hứng chịu những hậu quả nặng nề. Đặc biệt là các dự án điện ở quy mô nhỏ, vì những dự án này đã được xúc tiến trên diện rộng trước đó.
Được biết, chủ các dự án điện mặt trời đã phải tiến hành đàm phán lại với các nhà đầu tư về hợp đồng mua bán điện (PPA) nhằm nỗ lực tăng giá hoặc trì hoãn thời hạn lắp đặt. Tuy nhiên, những nỗ lực tái đàm phán PPA là điều hầu như không khả thi trong môi trường ngành công nghiệp siêu cạnh tranh như ngành cung cấp điện.
Hiện tại, sự gia tăng chi phí chỉ mới bắt đầu ảnh hưởng đến những người lắp đặt và chủ dự án vì sự thay đổi độ trễ, nhưng nhiều chuyên gia nhận định rằng người tiêu dùng là những người cuối cùng phải gánh chịu khoản chi phí này.
Huyền Trân