Theo VLA, dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát và lan rộng như hiện nay có khả năng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp Logistics, làm xáo trộn, đứt gãy chuỗi dịch vụ Logistics, ảnh hưởng đến dòng luân chuyển hàng hóa trong và ngoài nước. Điều này sẽ tạo ra những biến động khó lường trên thị trường và bất lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn này.
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA nhận định, trong bối cảnh cả nước dồn sức chống dịch như hiện nay, ngành dịch vụ logistics giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo dòng hàng hóa lưu thông phục vụ đời sống của người dân cũng như công tác phòng chống dịch của cả nước. Do đặc thù công việc phải thường xuyên di chuyển qua nhiều tỉnh thành, phải tiếp xúc trực tiếp nhiều người, nên lực lượng lao động trong dịch vụ logistics là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao cần được ưu tiên tiêm phòng vắc xin COVID-19.
Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành dịch vụ logistics có khoảng trên 150.000 nhân viên của hơn 500 doanh nghiệp là hội viên thuộc Hiệp hội, bao gồm lao động hoạt động trong các cảng biển, sân bay, kho bãi, cảng cạn (ICD); lao động tham gia trực tiếp trong các hoạt động vận tải hàng hóa đường biển, đường sông, đường sắt và đặc biệt là đường bộ (các lái xe). Ngoài ra, lao động là quản lý kho hàng và phân phối hàng hóa, lao động tham gia trực tiếp trong công tác làm thủ tục hải quan, giao nhận, làm các thủ tục, chứng từ vận tải liên quan,v.v cũng là các đối tượng thuộc ngành dịch vụ logistics.
Theo đó, trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế, VLA đề xuất các lao động được ưu tiên tiêm vắc-xin sẽ gồm tất cả các nhóm trong ngành dịch vụ logistics.
Không giống như các hoạt động sản xuất tập trung tại các nhà máy hay khu công nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, logistics là một chuỗi dịch vụ liên quan, nối tiếp và trải dài trên khắp các tỉnh thành cả nước. Nếu không may, một vài cá nhân trong ngành bị nhiễm bệnh thì nguy cơ lây nhiễm, phát tán ra cộng đồng là rất lớn, khi đó công tác truy vết, khoanh vùng sẽ vô cùng khó khăn. Việc tiêm phòng cho lực lượng này sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo đảm sự thông suốt của dòng vật chất phục vụ cho đời sống, sản xuất và đặc biệt là cho công tác phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc.
Logistics là một ngành có biên lợi nhuận thấp nên các doanh nghiệp phải tiết kiệm tối đa chi phí, đặc biệt là chi phí văn phòng. Do vậy, có nhiều doanh nghiệp phải làm việc trong một không gian chật chội nên mức độ rủi ro về dịch bệnh lại càng lớn.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Ông Đỗ Thắng Hải cũng đã ký công văn số 3150/CV-BCT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động tại hệ thống phân phối bán lẻ để đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân một cách an toàn nhất.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) mới đây cũng có đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 quan tâm, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ được tiếp cận, đặt mua khoảng 1 triệu liều vắc xin phòng dịch COVID-19 từ nguồn kinh phí do các doanh nghiệp trong ngành đóng góp và từ các nguồn xã hội hóa hợp pháp khác.
Vân Anh