Là một thứ thời trân của vùng Bắc Bộ Việt Nam hàng nghìn năm, là đặc sản của vùng đất đai màu mỡ ở tả ngạn sông Hồng, một dải Sơn Nam Thượng, Hải Dương, Hưng Yên cho tới vùng bán sơn địa Bắc Giang những năm gần đây, để rồi tỏa đi các cung đường xuất khẩu khắp toàn cầu, quả vải còn lớn hơn một biểu tượng.
Sản lượng vụ vải miền Bắc ước tính tăng 9.68% so với năm 2020
Miền Bắc là vựa vải lớn nhất cả nước với tổng diện tích trên 53.000 hecta, chiếm 97,4% tổng diện tích cả nước. Năng suất ước tính đạt 5 tấn/hecta và thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 7. Năm 2021, tổng sản lượng vải thu hoạch của miền Bắc ước đạt khoảng 340.000 tấn, tăng khoảng 30.000 tấn so với năm 2020 tương ứng với tốc độ tăng 9,68%. Trong đó, vải thu hoạch sớm đạt khoảng 90.000 tấn chiếm 26,5% và vải chính vụ đạt 250.000 tấn chiếm 73,5%.
Xét theo địa phương, Bắc Giang là địa phương có diện tích trồng vải lớn nhất cả nước (chủ yếu tại huyện Lục Ngạn) đạt 28.100 hecta với sản lượng dự kiến đạt 180.000 tấn, chiếm 52,94% cả nước. Theo sau về diện tích là Hải Dương đạt 9.168 hecta, với đặc sản vải thiều Thanh Hà có vị ngọt mát, thịt quả dày, mọng nước, hạt nhỏ nổi tiếng, sản lượng dự kiến đạt 55.000 tấn chiếm 16,18% cả nước. Các tỉnh khác trong vùng có diện tích trồng vải lớn là Quảng Ninh (1.635 hecta) và Hưng Yên (1.400 hecta, sản lượng năm 2021 đạt khoảng 15.000-16.000 tấn).
Triển vọng lạc quan về tiêu thụ vải Việt Nam trên thị trường quốc tế
Trong những năm gần đây, vải thiều Việt Nam với hương vị thơm ngon đặc trưng đã khẳng định được vị trí của mình trên các thị trường tiêu thụ chủ yếu như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… Nông dân trồng vải đã được hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình trồng trọt để được chứng nhận VietGap, GlobalGap,… đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Australia,…
Phát biểu tại Hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao Hải Dương đã vượt qua chính mình trong đại dịch Covid-19 bằng tư duy mới trong sản xuất, tiêu thụ nông sản tạo được sự lan tỏa nhất định, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Thời điểm này, nông dân trồng vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP ở thôn Thanh Lanh, xã Thanh Quang (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bắt đầu bước vào vụ thu hoạch vải sớm, được doanh nghiệp thu mua với giá 60.000-80.000 đồng/kg. Năm 2021, dự kiến tổng sản lượng vải thiều của Hải Dương tiêu thụ trong nước khoảng 33.000 tấn, xuất khẩu khoảng 22.000 tấn; tỷ lệ xuất khẩu vải năm 2021 tăng khoảng 5% so với năm trước. Sáng 18/5, tỉnh Hải Dương đã tổ chức lễ mở vườn đưa vải xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Singapore,…
Bên cạnh đó, Thương vụ Việt Nam tại Australia đang làm việc với các nhà kinh doanh nông sản tươi để tiếp tục triển khai Chương trình Xây dựng thương hiệu và thúc đẩy tiêu thụ khoảng 100 tấn vải Việt Nam tại Australia năm 2021, với các nội dung cụ thể bao gồm: kết nối giao thương liên tục trong suốt mùa vụ và cử cán bộ trực phối hợp tháo gỡ các khó khăn do thủ tục nhập khẩu tại Australia; quảng bá, định hướng người tiêu dùng làm quen với màu quả vải ngả vàng do chiếu xạ; thực hiện quảng cáo kích cầu tại các khu vực tiêu thụ; thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm quả vải sau chế biến (đóng hộp, khô, vải đông lạnh) sau khi hết mùa vụ, vận động các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng cùng thưởng thức, tiêu thụ quả vải quê hương…
Ngoài ra, Bộ Công an đã đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều Bắc Giang.
Khởi động chương trình đưa vải lên sàn thương mại điện tử
Nhằm đưa giống vải thiều u trứng trắng thượng hạng của tỉnh Hải Dương đến với người tiêu dùng trên khắp cả nước nhanh chóng và thuận tiện nhất, ngày 18.05, Cục Xúc tiến Thương mại thuộc Bộ Công Thương, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương và nền tảng thương mại điện tử Lazada Việt Nam vừa chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác “Chương trình đưa vải thiều và nông sản Hải Dương lên sàn thương mại điện tử”. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản tại Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ của thương mại điện tử hiện nay.
Theo đó, Lazada sẽ áp dụng hình thức giao hàng nhanh trong vòng 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng. Ông James Dong – Tổng Giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết thành công bước đầu là Gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ Chương trình Cấp Quốc gia về Xúc tiến Thương mại đã bán ra gần nửa tấn vải u trứng trắng chỉ sau 4 giờ của ngày đầu tiên mở bán đầu tiên.
Sự kiện quả vải xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử được nhận định sẽ góp phần mở thêm một đầu ra bền vững mới cho các địa phương, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, đồng thời cổ vũ tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Minh Đức