Bộ Tài Chính Ấn Độ đã chính thức thông qua đề xuất đánh thuế lên các mặt hàng năng lượng mặt trời nhập khẩu từ các nước khác, quyết định sẽ có hiệu lực vào tháng 4 năm 2022. Thông báo từ cơ quan Hải Quan liên quan đến quyết định này sẽ sớm được ban hành.
Cụ thể, từ tháng 4/2022, mô đun và tế bào năng lượng mặt trời sẽ phải chịu mức thuế quan cơ bản tương đương 40% và 25%.
Ministry of New and Renewable Energy (Tạm dịch: Bộ năng lượng tái tạo và năng lượng mới) đã xác nhận về thông tin trên, cho biết quyết định về đánh thuế lên hàng năng lượng mặt trời sẽ áp dụng cho mọi đối tượng, không có bất cứ ngoại lệ nào, ngay cả với những dự án đã hoàn thành xong quá trình đấu thầu.
Mức 25% đánh vào tế bào năng lượng mặt trời (solar cells) sẽ thay thế mức 14.5% thuế tự vệ đang áp dụng cho những sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan.
Quan điểm trái chiều
Pinaki Bhattacharyya, Tổng giám đốc điều hành chi nhánh Ấn Độ của doanh nghiệp sản xuất năng lượng mặt trời Amp Energy Group (Canada) chia sẻ rằng việc tăng mức thuế quan vào mặt hàng này sẽ làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước, khiến giá năng lượng mặt trời vì vậy cũng tăng lên.
Việc thông qua đề xuất trên sẽ gây cản trở cho mục tiêu đạt 175 GW năng lượng mặt trời trước năm 2022. Mặc dù chính sách này sẽ giải quyết được một số vấn đề khác và thúc đẩy sản xuất trong nước, việc tăng mức thuế cao như vậy sẽ khiến chi phí sản xuất tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp và người tiêu dùng, từ đó sẽ có tác động tiêu cực tới các ngành công nghiệp khác. Thay vì đó, ông Bhattacharyya cho rằng đáng lẽ chính phủ nên áp dụng một phương thức khác, ví dụ như cung cấp khoản trợ cấp cho các nhà sản xuất tại Ấn Độ để mở rộng năng lực nhà máy, tăng mức cung nội địa về các sản phẩm năng lượng mặt trời.
Chuỗi cung ứng
Thực tế, Ấn Độ đang phụ thuộc rất nhiều vào các nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ cho ngành công nghiệp về năng lượng mặt trời. Đặc biệt, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện và khiến cả thế giới điêu đứng, chuỗi cung ứng của ngành này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, chính phủ quyết định đánh thuế quan cao vào các mặt hàng nhập khẩu để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, cũng như ngăn chặn được những rủi ro về chuỗi cung ứng trong tương lai.
Hơn nữa, Ấn Độ cũng tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu với cam kết lượng điện sản xuất từ nhiên liệu phi hóa thạch sẽ chiếm 40% tổng sản lượng điện sản xuất trong nước trước năm 2030. Quốc gia này đã đưa ra các mục tiêu cụ thể như: Sản xuất 100GW năng lượng mặt trời – một phần trong kế hoạch đạt mốc 175 GW năng lượng sạch trước 2022 và chạm mốc 450 GW trong thập kỷ này.
Báo cáo Optimum Energy Mix do Central Electricity Authority (Tạm dịch: Cơ quan năng lượng điện trung ương) cho biết nhu cầu tiêu thụ điện của Ấn Độ đến giai đoạn 2029 – 2030 sẽ đạt mức 817 GW, trong đó 450 GW được kỳ vọng đến từ nguồn năng lượng tái tạo, với 280 GW từ năng lượng mặt trời. Ấn Độ cần sản xuất được 25 GW năng lượng mặt trời hàng năm để đạt được mục tiêu đó.
Biên dịch: Dandelion