Geodis – doanh nghiệp logistics với văn phòng hoạt động tại hơn 150 quốc gia, vừa thuê cả chuyến tàu để chở hàng ra khỏi Trung Quốc trong thời điểm thiếu hụt về vỏ container rỗng và chỗ (space) đối với tuyến vận chuyển châu Á – châu Âu.
Cụ thể, Geodis đã thuê một con tàu 1.000 TEU, chạy thẳng từ Thượng Hải đến Hamburg, dự kiến sẽ nhổ neo vào ngày 20/01/2021.
“Chúng tôi hiểu rõ những thách thức hiện tại mà nhiều bên liên quan đang phải trải qua, và chúng tôi đang nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ phía khách hàng, đặc biệt khi thị trường đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. Vì vậy, chúng tôi quyết định thuê hẳn một chuyến tàu, cùng với các hợp đồng dài hạn cố định với những hãng tàu chính yếu, nhằm đảm bảo tính “chắc chắn” cho khách hàng trong thời điểm khó khăn.” Đại diện Geodis cho biết.
Chiến lược này của Geodis theo sau quyết định của DSV vào tháng trước về việc thuê 3 con tàu “đa chức năng” vào tháng 12/2020 để vận chuyển hàng hóa từ Thượng Hải đến cảng Aarhus (Đan Mạch).
DSV cho biết đây chắc hẳn sẽ là một thương vụ độc hữu (chỉ xảy ra một lần) để giải quyết tình trạng khan hiếm space trên tuyến châu Á – châu Âu, khiến thị trường đang trở nên tương đối hỗn loạn.
Matthias Hansen, phó chủ tịch cấp cao bộ phận đường biển toàn cầu (global ocean freight) ở Geodis chia sẻ con tàu 1.000 TEU vừa được thuê có thể chuyên chở 460 container 40′.
“Chúng tôi đã bắt đầu lên kế hoạch cho chiến lược này từ một thời gian trước, để đảm bảo có đủ vỏ container, đem lại những giải pháp tối ưu nhất cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa từ châu Á đến châu Âu của khách hàng.”- Theo ông Hansen.
Các bên nhập khẩu ở châu Âu cũng đang đau đầu khi cước phí vận chuyển tăng lên không ngừng từ cuối năm 2020 đến hiện tại. Nhiều doanh nghiệp vận chuyển, giao nhận lớn trên thế giới đang tranh giành trong cuộc chiến “giá đấu thầu” ở Trung Quốc, với hy vọng dành được chỗ và vỏ container đến Bắc Âu. Thực tế, giá thầu “all-in” (tổng toàn bộ mức phí liên quan) được ước tính ở mức thấp nhất là 16.000 đô la Mỹ cho mỗi container 40′.
Tuy nhiên, liệu việc một số doanh nghiệp logistics nhúng tay vào hoạt động thuê tàu biển có giúp giá cước giảm xuống vẫn còn là một ẩn số. Hơn nữa, để thuê được tàu trong thời điểm nhu cầu “đạt đỉnh” như hiện tại cũng đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn. Chỉ số thuê tàu của Alphaliner vào tháng trước đã ghi nhận mức tăng trưởng 46% so với cùng kỳ năm 2019.
Một chuyên gia tư vấn ngành hàng hải khẳng định: “Vấn đề với những con tàu feeder nhỏ này là năng lực chuyên chở thực tế của chúng có thể sẽ giảm đi, để đảm bảo tính an toàn và ổn định cho việc di chuyển. Thuyền trưởng sẽ rất đau đầu nếu nhìn vào danh sách booking chỉ toàn là container 40’HC, cho dù tổng trọng lượng của nó vẫn phù hợp.”
Trong trường hợp của DSV, ít nhất thì quyết định về việc thuê hẳn một con tàu là để thực hiện mục đích đảm bảo về space và rút ngắn thời gian vận chuyển, thay vì nhắm vào việc cắt giảm chi phí. Geodis cũng thể hiện mục tiêu tương tự như vậy, cụ thể là để đảm bảo khách hàng có thể gửi và nhận hàng đúng thời điểm với một “mức phí có thể chấp nhận được”.
Biên dịch: Dandelion