RCEP viết tắt của “Regional Comprehensive Economic Partnership” (Tạm dịch: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực”) được xem là hiệp định tạo ra khu vực tự do thương mại lớn nhất châu Á. Bộ trưởng các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã đồng ý ký kết thỏa thuận thương mại trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến diễn ra vào ngày 15/11 (chủ nhật tuần này).
Quá trình đàm phán Hiệp định RCEP
Việc đàm phán các điều khoản liên quan đến RCEP được khởi động vào năm 2013, với sự tham gia của 16 nước, bao gồm: 10 quốc gia khu vực Đông Nam Á, Nhật Bàn, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và Ấn Độ. Đây được xem là hiệp định thương mại tự do đầu tiên có sự góp mặt của 3 cường quốc châu Á: Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Vào tháng 11 năm ngoái (2019), 16 quốc gia này đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh với kỳ vọng đi đến thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên, Ấn Độ lại đưa ra quyết định rút khỏi Hiệp định, do lo ngại việc tham gia vào RCEP sẽ gây ra thâm hụt thương mại với làn sóng hàng nhập khẩu thâm nhập vào thị trường. Quyết định này đã làm trì hoãn việc ký kết và thực thi hiệp định.
Mặc dù nhiều khả năng RCEP sẽ đi đến ký kết mà không có sự tham gia của Ấn Độ, các nước vẫn bỏ ngõ chiếc ghế dành cho Ấn Độ, và Nhật Bản hiện đang nỗ lực đàm phán với Ấn nhằm giảm bớt ảnh hưởng của Trung Quốc đối với hoạt động thương mại trong hiệp định này. Một chuyên viên cấp cao thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công thương Nhật Bản tiết lộ rằng: “Chúng tôi không muốn Nhật Bản tham gia vào một hiệp định mà bị thống trị/kiểm soát bởi Trung Quốc.” Các nước thậm chí còn soạn thảo một tài liệu riêng biệt, cho phép New Delhi (Ấn Độ) gia nhập hiệp định vào bất cứ lúc nào phù hợp.
Mặt khác, các quốc gia đến từ Đông Nam Á lại rất hào hứng và muốn thúc đẩy nhanh việc ký kết hiệp định RCEP vì họ sẽ được lợi rất nhiều nhờ vào mức thuế ưu đãi áp dụng bởi Trung Quốc.
Cam kết chính của RCEP
RCEP sẽ cắt giảm thuế và đưa ra các quy định liên quan đến khoảng 20 lĩnh vực khác nhau, bao gồm dòng chảy thông tin xuyên biên giới. Hiệp định sẽ xóa bỏ thuế đối với 61% hàng nhập khẩu từ các quốc gia Đông Nam Á, Úc và New Zealand, tỷ lệ loại bỏ thuế đối với các mặt hàng từ Trung Quốc và Hàn Quốc tương đương 56% và 49%.
Đối với các mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản, hiệp định được kỳ vọng sẽ xóa bỏ thuế do Trung Quốc quy định đối với một số sản phẩm sò/hàu trong năm thứ 11 kể từ ngày có hiệu lực, cũng như thuế của Hàn Quốc với sản phẩm kẹo trong năm thứ 10. Riêng với một số loại thịt bò Nhật nhập khẩu vào Indonesia, điều khoản loại bỏ thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Thuế đối với các sản phẩm như rượu sake, rượu mạnh từ Nhật Bản cũng sẽ được miễn.
Trong khi đó, Nhật Bản sẽ duy trì mức thuế nhập khẩu đối với 5 nhóm hàng nông sản có nhiều tác động đến chính trị như: gạo, lúa mì, thịt bò, thịt lợn, sữa, và đường. Nhìn chung, hiệp định RCEP không có nhiều tác động tới các mức thuế đánh vào hàng nông sản, thủy sản, khi so sánh với các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Nhật Bản (JEFTA). Đây cũng nằm ngoài dự đoán và kỳ vọng của các nhà xuất khẩu thực phẩm trong khối RCEP.
Hãy cùng đón chờ xem liệu Hiệp định thương mại tự do lớn nhất khu vực có đi đến ký kết cuối cùng vào ngày 15/11/2020 này không, và tác động của nó đến hoạt động thương mại của Việt Nam trong khu vực.
Biên dịch: Dandelion