Với mức thuế nhập khẩu rất cao đánh vào các mặt hàng từ Trung Quốc do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, các nhà sản xuất tại Hoa Kỳ đã phải tìm kiếm những nguồn cung khác. Bản phân tích của DW (Deutsche Welle – một cơ quan phát thanh quốc tế của Đức) đã chỉ ra nguồn gốc của những mặt hàng mà người Mỹ đang tiêu thụ, từ điện thoại, máy tính đến nội thất, quần áo để đi đến kết luận về ai là người thực sự chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này.
Ông Trần Dũng – chủ sở hữu doanh nghiệp có tên Spartronics, chuyên sản xuất các thiết bị điện tử, đã được lợi rất lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Ông chia sẻ: “Năm ngoái, chúng tôi đã mở rộng nhà máy lên tầng 2. Và hiện công ty tôi đang tìm kiếm một địa điểm sản xuất mới, với diện tích lớn gấp 4 lần so với nhà máy hiện tại.”
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã kéo dài cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng hơn 2 năm. Mỹ đã đánh mức thuế lên đến 25% đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ 07/2018 đến 11/2019.
Chính sách áp dụng mức thuế chọc trời của chính quyền Donald Trump đã có tác động rộng khắp trên toàn cầu. Trước khi hai cường quốc bắt đầu cuộc chiến tranh thương mại này, 23% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đều đến từ Trung Quốc (tương đương với hơn 526 tỷ đô la Mỹ chỉ tính trong năm 2017), gần bằng tổng kim ngạch nhập khẩu cộng gộp từ Canada và Mexico. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, đóng góp vào kim ngạch nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm xuống 18%.
Yasuyuki Sawada, Chuyên gia cao cấp về kinh tế học đến từ Ngân hàng phát triển châu Á (Asia Development Bank – ADB) chia sẻ: “Hai quốc gia thất bại nhất trong cuộc chiến này lại chính là Trung Quốc và Hoa Kỳ.” Báo cáo phân tích của ngân hàng ADB cho thấy sự giảm sút trong GDP của cả hai cường quốc này kể từ khi cuộc chiến tranh thương mại bắt đầu.
Nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ giảm mạnh
Đối với người tiêu dùng Mỹ, tranh chấp giữa quốc gia của họ với Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc họ phải trả một mức giá cao hơn nhiều để sở hữu được các mặt hàng “Made in China”. Vào cuối năm 2019, các doanh nghiệp Mỹ đã và đang cắt giảm mạnh nguồn nhập khẩu các mặt hàng sản xuất ở Trung Quốc như điện thoại, máy tính và nội thất, đặc biệt so với thời điểm cuối năm 2017 trước khi cuộc chiến tranh thương mại diễn ra.
2020: Đình chiến và đại dịch
Vào tháng 01/2020, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận giai đoạn I nhằm giảm thiểu căng thẳng thương mại. Thỏa thuận yêu cầu Trung Quốc chi ra hàng tỷ đô để nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ, nhằm co hẹp lại mức thặng dư thương mại mà Trung Quốc đã được hưởng trong những năm vừa qua. Tuy nhiên, điều khoản này được cho là phi thực tế, ngay cả trước khi thỏa thuận bắt đầu có hiệu lực. Và trớ trêu thay, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 càng làm cho thỏa thuận này khó đi vào thực thi.
Yasuyuki Sawada cho rẳng những yêu cầu bắt buộc Trung Quốc nhập khẩu hàng hóa Mỹ trở nên rất rất khó thực hiện, nhất là khi xem xét sự tăng trưởng chậm của quốc gia này do tác động của đại dịch. Thêm vào đó, các mức thuế đánh vào hàng “Made in China” vẫn cao vút, và do đó, thỏa thuận này không thể giải quyết triệt để tranh chấp của hai bên.
Đại dịch Covid-19 đã làm đứt đoạn chuỗi cung ứng toàn câu. Tuy nhiên, kể từ quý 02/2020, Trung Quốc đã có những dấu hiệu tích cực cho thấy sự phục hồi nền kinh tế. Đây cũng là quốc gia sớm nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục chiến đấu với đại dịch khi số lượng ca dương tính ngày càng tăng. Trước tình hình đó, Trung Quốc vẫn đủ khả năng để cung cấp các mặt hàng mà Mỹ đang rất cần, một trong số đó là máy móc, thiết bị y tế. Lượng khẩu trang nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ đã tăng vọt lên gấp 10 lần so với trước thời điểm dịch bệnh.
Thực tế, xu hướng trên là nhờ vào một số chính sách mới về các trường hợp ngoại lệ trong việc đánh thuế hàng “Made in China” được phê duyệt bởi chính phủ Mỹ để đảm bảo đủ nguồn cung về hàng thiết bị y tế như khẩu trang, găng tay phẫu thuật, hay thậm chí là linh kiện điện tử, ô tô và một số mặt hàng khác. Và vì vậy, thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã gần như trở lại mốc tương đương trước khi cuộc chiến diễn ra.
Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại vẫn còn tồn tại ở cả hai quốc gia. Nhu cầu của người dân Hoa Kỳ đối với các mặt hàng như điện thoại, máy tính, đèn, hay máy in vẫn tăng, trong khi giá các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc ngày càng cao. Người tiêu dùng và các nhà sản xuất ở Mỹ tất yếu phải tìm kiếm các nguồn hàng từ những đất nước khác.
Đông Nam Á, Mexico và những lợi ích to lớn từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Thực tế, đối với một số quốc gia, những gì họ được hưởng từ cuộc chiến tranh thương mại này thậm chí còn vượt trội hơn so với những ảnh hưởng tiêu cực mà họ phải chịu. Ông Sawada cho biết đối với các nền kinh tế đang phát triển ngoài Trung Quốc, đặc biệt các quốc gia có thể sản xuất những mặt hàng tương tự Trung Quốc, căng thẳng thương mại đã đem lại nhiều cơ hội hơn là thiệt hại cho họ.
Một trong số những quốc gia được lợi nhất phải kể đến là láng giềng của Mỹ – Mexico và láng giềng của Trung Quốc – Việt Nam. Tính từ năm 2017 đến 2019, Mexico đã xuất khẩu khoảng 4,7 tỷ đô vào Mỹ, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt đến 6,4 tỷ đô.
Đây là kết quả của bản báo cáo phân tích từ DW, xem xét các dữ liệu về nhập khẩu hàng hóa của Mỹ trong giai đoạn 2017 đến 2019 để tìm ra được quốc gia và ngành hàng nào được lợi lớn nhất từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Bản phân tích được thực hiện dựa trên việc tính toán và đánh giá thị phần của các mặt hàng trong tất cả các loại hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Ví dụ cụ thể đối với mặt hàng máy tính, Trung Quốc từng cung cấp 62% tổng sản lượng máy tính nhập khẩu bởi Mỹ. Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, thị phần giảm xuống còn 44%, với mức thất thu lên đến hơn 5 tỷ đô. Ngược lại, Đài Loan và Mexico lại chứng kiến những xu hướng tích cực trong lượng hàng xuất khẩu qua Mỹ, tăng thêm 6 điểm phần trăm trong tổng thị phần. Tính đến hết năm 2019, máy tính từ Đài Loan nắm giữ 10% thị phần, trong khi đó, Mexico chiếm lên đến 15% thị phần tổng máy tính nhập khẩu vào Mỹ.
Tại Mexico, đáng tiếc thay đại dịch Covid-19 đã khiến toàn bộ những thành tích đạt được trước đó tan thành mây khói. Kim ngạch xuất khẩu từ Mexico đến Mỹ thậm chí còn thấp hơn thời điểm trước cuộc chiến tranh thương mại diễn ra.
Trong khi đó, một tín hiệu tích cực được ghi nhận tại Việt Nam và một số nền kinh tế Đông Nam Á khác. Kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của các quốc gia này đã tăng mạnh, ngay cả trong thời điểm dịch bệnh. Việt Nam từ lâu đã được nhiều nhà sản xuất xem xét như một lựa chọn lý tưởng để thay thế Trung Quốc. Ông Vũ Khiêm, quản lý tại Global Resources tại Việt Nam, chịu trách nhiệm kết nối các doanh nghiệp và nhà cung ứng tại châu Á, chia sẻ: “Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh sản xuất, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và tăng xuất khẩu đến Hoa Kỳ.”
Căng thẳng thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia nhanh chóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của họ ra khỏi Trung Quốc. Nhiều nhà sản xuất đang nhắm vào Việt Nam. Ví dụ, nhà sản xuất dép Crocs tại Trung Quốc đã xây dựng nhà máy lớn tại Phú Thọ (Việt Nam), chỉ để phục vụ thị trường Mỹ.
Nhu cầu đối với hàng điện tử của Việt Nam tăng cao
Con số về mặt hàng điện thoại xuất khẩu từ Việt Nam qua Mỹ gần như tăng gấp đôi kể từ cuối năm 2017.
Đối với Spartronics, dịch bệnh Covid-19 thậm chí còn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Hàng thiết bị y tế như máy thở và bộ test Covid-19 đã giúp Spartronics đạt được những kết quả đáng mong ước. Ông Dũng cho biết: “Mặt hàng y tế đang tăng trưởng một cách đáng kinh ngạch, và đã giúp chúng tôi bù đắp cho sự thâm hụt của những mặt hàng khác.”
Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh trong những năm vừa qua, và câu hỏi đặt ra là làm sao chính phủ có thể đảm bảo cơ sở hạ tầng đuổi kịp được tốc độ tăng trưởng đó. “Bỗng chốc một ngày bạn trở về Việt Nam, và hình ảnh đầu tiên hiện ra là sự tắc nghẽn ở sân bay hay cảng biển do lưu lượng hàng hóa vận chuyển quá lớn. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, không thể hoàn thiện trong ngày một ngày hai. Và chúng ta càng không thể biết được trong tương lai Việt Nam sẽ thay đổi như thế nào.” – Ông Dũng chia sẻ.
Kỳ vọng cuộc chiến tranh thương mại kết thúc
Ông Dũng khẳng định nền thương mại của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn sẽ phát triển mặc cho cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có diễn ra hay không. Ông nhấn mạnh: “Việt Nam không thể tiếp tục phát triển mà không có Trung Quốc được. Chúng ta cần phụ thuộc vào nhau, một cách công bằng.”
Yasuyuki Sawada cho biết: “Ipad, Iphone cũng như những sản phẩm khác được sản xuất dựa trên quy trình chuỗi cung ứng hết sức phức tạp và đòi hỏi tính kết nối cao. Sự cắt giảm trong sản lượng hàng hóa “Made in China” sẽ sớm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà cung ứng các sản phẩm trung gian. Và những nền kinh tế xung quanh cũng sẽ phải chống chọi với hiệu ứng domino từ xu hướng này.” Sawada cũng mong chờ cuộc chiến tranh thương mại này sẽ sớm đi đến kết thúc, và thế giới lại trở lại mốc trước thời điểm căng thẳng thương mại diễn ra./
Biên dịch: Dandelion