Hình thức để Trung Quốc mở rộng hiện diện hạ tầng cảng rất đa dạng, như tham gia góp vốn, mua hoặc thuê. Nhiều cảng trong số này có vai trò chiến lược và được NATO sử dụng. Đơn cử, Trung Quốc hiện nắm quyền kiểm soát cảng Piraeus tại Hy Lạp. Ngoài ra, Trung Quốc cũng mạnh tay đầu tư cho các dự án xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt nối liền các nước Balkan và Hungary.
Trung Quốc hiện đang giữ thế thống trị tương đối trong quản lý, khai thác tại 50 cảng biển lớn nhất thế giới, đặc biệt là ở châu Âu. Xét riêng về cảng container, 5 công ty vận tải biển và cảng biển lớn của Trung Quốc kiểm soát khoảng 18% tổng hoạt động chuyên chở đường biển do 20 công ty lớn nhất thế giới thực hiện, theo số liệu của Dury Company, một công ty tư vấn của Trung Quốc trong lĩnh vực vận chuyển.
Điều đáng kinh ngạc nhất là sự kiểm soát của Trung Quốc đối với cảng Long Beach ở California, là cảng container lớn thứ hai ở Hoa Kỳ. COSCO đã thành công mua lại cảng Long Beach thông qua một công ty con ở Hồng Kông.
Ở châu Âu, hãng khai thác cảng COSCO (COSCO Shipping Ports), công ty con của tập đoàn vận tải đường biển COSCO, đã nắm quyền khai thác, quản lý cảng Piraeus ở Hy Lạp từ năm 2016 sau khi mua và sở hữu 51% cổ phần tại cảng này. Đến cuối tháng 10 vừa qua, COSCO mua thêm 16% cổ phần, nâng tổng mức cổ phần nắm giữ lên 67%, giúp tăng sức ảnh hưởng của phía Trung Quốc tại cảng biển chiến lược này.
Sau khi tiếp cận thành công cảng Piraeus, các công ty của Trung Quốc cũng mở rộng ảnh hưởng tại ba cảng biển lớn nhất châu Âu. Trung Quốc hiện nắm giữ 35% cổ phận tại cảng Euromax ở Rotterdam, Hà Lan, nắm 20% cổ phần cảng Antwerp ở Bỉ. Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch xây dựng cảng container ở Hamburg, Đức. Hai bên đang ở giai đoạn thảo luận cuối cùng để hoàn tất hợp đồng.
Bắc Kinh đã đặt mục tiêu chính là đầu tư vào 4 cảng của Ý nằm trong số các khoản đầu tư của nước này trong khuôn khổ “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, đặc biệt là sau khi Ý là nước châu Âu đầu tiên công khai hưởng ứng, tham gia sáng kiến BRI. Cụ thể là hai cảng ở phía bắc Biển Adriatic, cảng Tristi và Ravenna, sau khi chính phủ hai nước đồng ý trong một kế hoạch của Trung Quốc để cạnh tranh với các cảng chính của châu Âu.
Trên thực tế, các công ty vận tải, cảng biển Trung Quốc đã rất thành công trong việc nắm giữ cổ phần tại nhiều cảng biển ở Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Italy, Hà Lan, Đức và trở thành nhân tố chi phối trong hệ thống cảng biển ở châu Âu. Theo ước tính, Trung Quốc hiện chiếm ít nhất 10% cổ phần trong toàn bộ hệ thống cảng biển tại châu lục này.
Chính quyền Mỹ cùng với giới chuyên gia trên thế giới bày tỏ quan ngại trước sự hiện diện ngày một lớn của Trung Quốc trong hệ thống các cảng biển. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert McFarlane nói rằng nhiều cảng biển này án ngữ các điểm then chốt trong giao thương đường biển, tạo cho Bắc Kinh thế thống trị chiến lược mà không cần phải triển khai một binh sĩ, tàu chiến hay vũ khí nào.
Hồng Đào
ĐỌC THÊM:
Trung Quốc: Lợi dụng sự bất ổn thị trường, các hãng hàng không tăng giá cước