Vận tải đa phương thức là gì?
Với sự phát triển của các hình thái sản xuất và thương mại quốc tế, một sản phẩm sẽ được lưu thông qua nhiều công đoạn, nhiều địa phương, quốc gia trước khi đến đích. Do vậy vận tải đa phương thức trở nên rất phổ biến trong thời đại ngày nay.
Vận tải đa phương thức là phương thức vận tải hàng hóa kết hợp hai hay nhiều phương thức vận tải khác nhau trên cơ sở một hợp đồng duy nhất, một chứng từ vận tải, một chế độ trách nghiệm và chỉ một người chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình chuyên chở từ điểm nhận hàng đến điểm giao hàng. Trong đó:
- Người kinh doanh vận tải đa phương thức (Multimodal Transport Operation – MTO) hành động như người chủ ủy thác chứ không phải như đại lý của người gửi hàng hay đại lý của người chuyên chở tham gia vào vận tải đa phương thức.
- MTO phải chịu trách nhiệm về hàng hóa trong suốt quá trình vận chuyển tới khi bàn giao hàng hóa cho người nhận (một chế độ trách nhiệm). Có thể là chế độ trách nhiệm thống nhất hoặc theo từng chặng (tùy theo thỏa thuận).
- Trong vận tải đa phương thức quốc tế, nơi nhận hàng và nơi giao hàng thường ở những nước khác nhau và hàng hóa thường được vận chuyển bằng những dụng cụ vận tải như container, trailer, v.v.
Ví dụ: Một kiện hàng có thể vận chuyển bằng đường bộ ra đến cảng, đưa lên tàu thủy để chuyển đến cảng nhận, sau đó lại được xếp lên toa tàu đường sắt để về nhà kho.
Lợi ích của vận tải đa phương thức
Hình thức vận tải này đang có những đóng góp quan trọng vào hoạt động thương mại quốc tế cũng như nền kinh tế quốc dân. Các giá trị cốt lõi vận tải đa phương thức mang lại có thể kể đến như:
- Khả năng cung ứng dịch vụ “từ cửa đến cửa” nhờ việc kết nối các phương thức cũng như phối hợp các phương tiện trên một hành trình vận chuyển phức tạp.
- Giảm chi phí logistics thông qua việc tận dụng lợi thế vốn có của từng loại phương tiện vận tải, từ đó giúp giảm giá thành hàng hóa đồng thời tăng năng lực cạnh tranh về giá cũng như chất lượng hàng hóa.
- Mở rộng mạng lưới vận tải và có hiệu quả kinh tế cao nhờ việc phối hợp các phương thức vận tải có khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn, hàng siêu trường, siêu trọng.
- Giúp các doanh nghiệp sản xuất và thương mại tiếp cận nhanh chóng với thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế thông qua mạng lưới vận tải lớn và có tính liên kết cao.
- Thắt chặt quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp.
Các hình thức vận tải đa phương thức phổ biến hiện nay
Các phương thức vận chuyển ngày nay cũng càng đa dạng và phong phú hơn giúp doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa có thêm nhiều lựa chọn. Những hình thức vận tải đa phương thức phổ biến nhất hiện nay là:
Mô hình vận tải đường biển – vận tải hàng không (Sea –Air hay Fishy-back)
Mô hình kết hợp vận tải này sẽ đảm bảo tính kinh tế của vận tải biển cùng với tính tốc độ của vận tải hàng không, phù hợp với hàng hóa giá trị cao như đồ điện tử và những hàng hóa có tính thời vụ cao như quần áo, đồ chơi, giày dép, v.v.
Khi hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển tới cảng và sau đó phải chuyển sâu vào đất liền một cách nhanh chóng. Để đảm bảo tính thời vụ cũng như chất lượng hàng hóa thì vận tải hàng không sẽ là phương tiện thích hợp nhất so với các phương tiện vận tải khác.
Mô hình vận tải bộ – vận tải hàng không (Road- Air)
Đây là mô hình vận tải kết hợp được tính linh hoạt cơ động của vận tải bộ và tính tốc độ của vận tải hàng không. Hình thức này rất phổ biến khi thực hiện Express những kiện hàng nhỏ, giá trị cao, cần vận tải nhanh chóng, thư tín, chứng từ quan trọng, v.v.
Vận tải bộ sử dụng xe tải nhằm đáp ứng nhu cầu gom hàng và phân phối hàng hóa ở giai đoạn đầu và cuối của quá trình vận chuyển. Hàng hóa sẽ được tập trung về đầu mối là sân bay phục vụ cho các tuyến bay đường dài, nhằm đáp ứng thời gian tập kết để vận chuyển hàng một cách nhanh chóng.
Mô hình vận tải đường sắt – vận tải bộ (Rail- Road hay Piggyback)
Sự kết hợp của hai mô hình này trong vận tải hàng hóa nhằm phát huy ưu điểm giữa tính an toàn và tốc độ của vận tải đường sắt cùng với tính cơ động và linh hoạt mà vận tải bộ sở hữu. Hình thức này ra đời đầu tiên ở Mỹ với tên gọi Piggyback.
Trong đó, vận tải bộ, cụ thể là xe tải có vai trò đi gom hàng và phân phối hàng hóa 2 đầu, còn vận tải đường sắt sẽ đảm nhận vận tải chặng chính nhằm mục đích tiện lợi và an toàn hơn. Tuy nhiên có một điểm hạn chế của mô hình này chính là chỉ có thể chấp nhận với những hợp đồng vận chuyển khi điểm giao nhận có đường sắt đi qua.
Mô hình vận tải đường sắt / đường bộ / vận tải thủy nội địa – vận tải đường biển (Rail/ Road/ Inland waterway- Sea)
Đây là mô hình vận tải phổ biến nhất để chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu. Hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ hoặc đường thủy nội địa đến cảng biển của nước xuất khẩu sau đó được vận chuyển bằng đường biển tới cảng của nước nhập khẩu rồi từ đó vận chuyển đến người nhận ở sâu trong nội địa bằng đường bộ, đường sắt hoặc vận tải thủy nội địa.
Mô hình này thích hợp với các loại hàng hóa chở bằng container trên các tuyến vận chuyển mà không yêu cầu gấp rút về thời gian vận chuyển.
Mô hình cầu lục địa (Transcontinental bridge)
Cầu lục địa được hiểu là đoạn vận chuyển trên đất liền nối liền với các đoạn hành trình đường biển. Cầu lục địa có thể được phân thành 4 loại chính:
- Landbridge: theo mô hình này, hàng hóa được vận chuyển bằng đường biển vượt qua các đại dương đến các cảng ở một lục địa nào đó, sau đó chuyển qua vận chuyển trên đất liền và cuối cùng vận chuyển tiếp bằng đường biển đến châu lục khác. Việc vận chuyển hàng hóa trên đất liền thường sử dụng vận tải đường sắt vì nó cung cấp dịch vụ đường dài nhanh hơn.
Ví dụ: Khi vận chuyển hàng hóa trong container từ Nhật Bản đến Châu Âu, nhà vận chuyển đi qua lục địa Bắc Mỹ sẽ tiết kiệm thời gian hơn so với việc đi qua kênh đào Panama.
- Minibridge: Container được vận chuyển từ cảng một nước này qua cảng nước khác, sau đó vận chuyển bằng đường sắt đến cảng thứ hai của nước đến theo một vận đơn đi suốt do người chuyên chở đường biển cấp.
Ví dụ: Một lô hàng cần được vận chuyển từ cảng Mumbai của Ấn Độ đến thành phố Colorado của Mỹ. Nhưng Colorado là vùng không giáp biển nên chỉ có thể vận chuyển đường biển tới New York (Mỹ), sau đó vận chuyển bằng đường sắt tới Colorado.
- Microbridge: Tương tự như Mini Bridge, nhưng Microbridge khác ở chỗ nơi đến cuối cùng không phải là thành phố cảng mà là khu công nghiệp hay trung tâm thương mại trong nội địa.
Ví dụ: Một lô hàng từ Hàn Quốc muốn vận chuyển sang Chicago của Mỹ. Lô hàng sẽ được vận chuyển bằng đường biển từ cảng Busan của Hàn Quốc đến cảng Los Angeles của Mỹ và sẽ được vận chuyển bằng đường sắt tới khu công nghiệp tại Chicago.
Phan Quyên