“Miền đất hứa” cho trái cây Việt
Hoa Kỳ luôn là mảnh đất xuất khẩu tiềm năng của trái cây Việt bởi đây là thị trường tiêu thụ trái cây lớn thứ 3 thế giới. Nhu cầu của người dân nơi đây ngày càng đa dạng, chú trọng nhiều tới các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ, đặc biệt là các loại trái cây lệch mùa vụ mà sản lượng trong nước hạn chế.
Tính đa dạng và cởi mở trong văn hóa cũng thúc đẩy người tiêu dùng Mỹ muốn thử nghiệm sản phẩm mới, mang tính đặc sản và có lợi cho sức khỏe như là trái cây nhiệt đới.
Nhờ khí hậu nhiệt đới gió mùa, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để trồng các loại trái cây nhiệt đới chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của Hoa Kỳ. Sự đồng hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt ngày càng tích cực đẩy mạnh việc xuất khẩu trái cây sang Mỹ. Cụ thể, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 93 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023.
Thách thức của trái cây Việt trên hành trình đến Mỹ
Mặc dù ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn.
Thách thức về khoảng cách địa lý
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong năm 2023, 60% tỷ lệ xuất khẩu trái cây Việt Nam sang Hoa Kỳ tập trung ở bờ Đông. Về mặt địa lý, hành trình này khá xa, khoảng 13000 km, gây ra nhiều trở ngại trong quá trình vận chuyển hàng hóa. Để đưa trái cây tới Mỹ, Việt Nam chỉ có thể sử dụng đường biển (thời gian 20-30 ngày) hoặc đường hàng không (thời gian 2-4 ngày). Nếu như đường biển được lợi về mặt chi phí thì thời gian vận chuyển lại dài hơn, dễ gây ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và giảm giá trị của sản phẩm. Có rất nhiều trường hợp trái cây của Việt Nam khi đến Mỹ bị hư hỏng hoàn toàn do quá trình bảo quản trong container không được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ và độ ẩm. Do đó việc nâng cao năng lực bảo quản dài ngày và bổ sung sản phẩm chế biến như trái cây khô, bột trái cây để đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng của từng chuỗi ngành hàng cần được xác định là đột phá để khơi thông thị trường.
Thiếu cơ sở chiếu xạ đáp ứng tiêu chuẩn của Hoa Kỳ
Hiện tại, Việt Nam chưa có cơ sở chiếu xạ theo tiêu chuẩn của Mỹ đặt tại miền Bắc, chỉ có tại miền Nam. Để xuất khẩu đi Mỹ, quả vải của tỉnh Bắc Giang phải được vận chuyển vào TP Hồ Chí Minh chiếu xạ, làm tăng chi phí vận chuyển và hao hụt về số lượng, chất lượng do không ít loại trái cây bị hỏng ngay sau khi chiếu. Vì thế, cần đẩy nhanh việc xây dựng và công nhận đạt chuẩn để trung tâm chiếu xạ ở miền Bắc sớm đi vào hoạt động, góp phần giảm thời gian, chi phí vận chuyển các loại trái cây khi xuất khẩu sang các thị trường lớn. Khi đó, chắc chắn sức cạnh tranh của trái vải nói riêng và trái cây Việt Nam nói chung sẽ lớn hơn.
Sức ép cạnh tranh từ các thị trường có cùng sản phẩm
Để nhận được sự chấp thuận từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, trái cây Việt Nam đang phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California hay tại Mexico và các nước châu Á có điều kiện tự nhiên gần giống Việt Nam. Vì thế, để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai bài bản, đồng bộ, có điểm nhấn và kiên trì công tác quảng bá, xúc tiến thương mại trái cây mùa vụ, xây dựng câu chuyện gắn với trái cây, khai thác hình ảnh thực tế vùng trồng, hay tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện trong khu vực.
Kiều Phương Linh