EPR – khi người gây ô nhiễm phải trả tiền
Trong thông cáo báo chí vào ngày 5-7, EU cho biết mỗi năm ngành dệt may châu Âu thải ra 12,6 triệu tấn chất thải. Tính riêng quần áo và giày dép, con số đã lên tới 5,2 triệu tấn, tương đương với việc mỗi người thải ra khoảng 12 kg mỗi năm. Tuy vậy, hiện tại chỉ có 22% chất thải từ ngành công nghiệp này được thu gom riêng để tái sử dụng hoặc tái chế sau khi tiêu dùng, phần còn lại thường chỉ được xử lý theo phương pháp truyền thống là đốt hoặc chôn lấp. Trước tình trạng này, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất áp dụng chương trình trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng bắt buộc (Extended producer responsibility) đối với các doanh nghiệp sản xuất dệt may.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm cho một vòng đời dệt may của sản phẩm, đồng thời phải hỗ trợ quản lý các chất thải một cách bền vững – chiến lược mới về ngành công nghiệp dệt may của EU. Sáng kiến này sẽ thúc đẩy phát triển lĩnh vực thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế riêng cho hàng dệt may. Đồng thời, nó cũng gia tăng khả năng sẵn có của hàng đã qua sử dụng nhằm tạo thêm việc làm tại các địa phương cũng như tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng.
Những động thái thích nghi trong nước
Là một bạn hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, EU khi đưa ra quyết định như vậy ảnh hưởng rõ rệt đến cả quá trình sản xuất dệt may. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao bản thân để có thể đáp ứng tiêu chuẩn bạn hàng khó tính này. Tuy nhiên, khi thực hiện theo tiêu chuẩn mới của EU, bản thân các doanh nghiệp cũng có những lợi ích nhất định như tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy phát triển bền vững,…
Cũng trong tin tức ấy, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, phát biểu rằng, việc EU áp dụng chương trình trên đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may phải có các giải pháp thu gom, phân loại, tái sử dụng lẫn tái chế riêng cho các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường EU. Việc này được đánh giá là rất khó khăn, chính vì vậy trước mắt hiệp hội cũng như các doanh nghiệp dệt may phải nhanh chóng làm việc với các đối tác, hệ thống phân phối để có thể chủ động xây dựng giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường EU đưa ra.
Tâm Từ