Việt Nam trong cú chuyển mình của thị trường chip bán dẫn
Trong khoảng thời gian trở lại đây, Mỹ đã và đang cố tái cấu trúc thị trường chip bán dẫn toàn cầu, khi mà Mỹ và Trung Quốc đang xảy ra một cuộc xung đột thương mại. Mỹ đã thúc đẩy hợp tác giữa Nhật Bản và Hàn Quốc trong ngành chip bán dẫn, dù cách đây chưa lâu thì hai nước vẫn còn đặt ra các rào cản lẫn nhau về vật liệu bán dẫn. Ngoài ra, Mỹ cũng đã ký kết với Ấn Độ biên bản ghi nhớ về việc thiết lập chuỗi cung ứng chất bán dẫn, được các chuyên gia đánh giá là cơ hội để cả hai quốc gia giảm sự phụ thuộc toàn cầu vào Trung Quốc.
Những yếu tố trên cùng sự chuyển dịch nói chung của chuỗi sản xuất toàn cầu sau đại dịch Covid-19 đã khiến các nước Đông Nam Á được đánh giá là điểm đến của quá trình chuyển dịch. Trong đó, Việt Nam là một trong 2 điểm đến tiềm năng cho quá trình chuyển dịch chuỗi sản xuất linh kiện bán dẫn. Việt Nam hiện đứng thứ 3 về xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ với giá trị 562,5 triệu USD, tăng 74,9% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị chip từ Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ đứng sau Malaysia (972,9 triệu USD, giảm 26,3%) và Đài Loan (732 triệu USD, tăng 4,3%). Tuy nhiên, phần lớn chip xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất. Việt Nam chỉ đảm nhận khâu lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói.
Mối quan hệ Đài Loan – Việt Nam
Tại Cuộc tọa đàm về kinh tế tuần hoàn và kinh tế số diễn ra tại Hội đồng Phát triển Đài Loan (NDC) hôm 19/6, bà Shien Quey Kao, phó chủ tịch NDC, cho biết hiện rất nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển các cơ sở sản xuất chip về Việt Nam. Ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Việt Nam đang phát triển nhanh nhờ các yếu tố địa chính trị, tuy nhiên trong cuộc đua dài hạn, Việt Nam phải điều chỉnh lại khung chính sách, mở rộng đào tạo nghề cho các ngành công nghệ cao và đẩy mạnh hỗ trợ cho các công ty nội địa, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực.
Theo bà Shien Quey Kao, trong tương lai, nếu Việt Nam muốn hợp tác với Đài Loan trong lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn, lời khuyến nghị đầu tiên là việc trao đổi nhân sự chất lượng cao, với các kênh trao đổi sinh viên tài năng. Phía Đài Loan cho biết họ rất sẵn sàng tiếp nhận những du học sinh Việt Nam sang Đài Loan học tập trong những ngành, chương trình liên quan tới sản xuất chất bán dẫn và kể cả nghiên cứu. Các du học sinh này sẽ là nhân tố thúc đẩy cho các dự án hợp tác sản xuất chip Việt Nam-Đài Loan.
Tài Anh