Thời thế ép buộc nhu cầu khoáng sản tăng vọt, dân tình tranh nhau đầu tư
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, bối cảnh xã hội đang hướng đến các công nghệ sạch để bảo vệ môi trường đã thúc đẩy nhu cầu càng ngày càng tăng của ngành năng lượng. Một báo cáo gần đây đã đưa ra số liệu về sự tăng vọt nhu cầu của các loại khoáng sản, nhu cầu đối với lithium tăng gấp ba, coban tăng 70% và niken tăng 40%.
Chứng kiến sự tăng vọt của nhu cầu cho ngành năng lượng, hoàng loạt doanh nghiệp cũng lao đầu vào đầu tư vào lĩnh vực phát triển khoáng sản. IEA cho biết nguồn đầu tư vào các loại khoáng sản quan trọng đã tăng 30% vào năm 2022. Cụ thể, các công ty chuyên phát triển lithium đã ghi nhận mức tăng 50% trong chi tiêu, theo sau là các công ty tập trung vào đồng và niken; các công ty ở Trung Quốc cũng mạnh tay tăng chi tiêu gần gấp đôi cho đầu tư vào năm ngoái.
Trong năm 5 qua, quy mô thị trường khoáng sản đã tăng gấp đôi, đạt 320 tỷ USD vào năm 2022. Trong đó, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực này đã huy động được số vốn đầu tư kỷ lục là 1,6 tỷ USD vào năm ngoái. Sự triển khai các công nghệ như pin và điện mặt trời đã thúc đẩy mức tăng trưởng chưa từng có trong các thị trường khoáng sản quan trọng.
IEA cho biết năng lượng tái tạo đang được tập trung phát triển và có kỳ vọng sẽ vượt qua than đá, trở thành nguồn phát điện chính cho hành tinh vào giữa thập kỷ này. Trong đó, các loại khoáng chất quan trọng có vai trò chính đối với các công nghệ sạch đối với môi trường như tua – bin gió, xe điện, v.v.
Bức tranh đầy triển vọng vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, báo cáo của IEA cho biết việc nhu cầu gia tăng về khoáng sản cũng kéo theo nhiều thách thức. Báo cáo cho thấy các dự án còn chậm trễ và thiếu hụt công nghệ đặc biệt, làm giảm khả năng đáp ứng đầy đủ nguồn cung trong thời điểm hiện tại. Đồng thời, để cố gắng hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức ổn định – 1,5 độ C, cần có thêm nhiều dự án hơn trong giai đoạn cuối thập kỷ này.
Thêm nữa, việc phát triển các địa điểm khai thác và xử lý khoáng chất quan trọng gặp các khía cạnh địa chính trị quan trọng. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về khai thác than chì, đất hiếm và xử lý lithium; tuy vậy, quốc gia này vẫn còn cần phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các quốc gia khác như khoáng sản coban của Cộng hòa Dân chủ Congo.
Mặc dù đã có một số tiến bộ trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp trong vài năm qua, IEA vẫn nhấn mạnh cần cải thiện tính bền vững của ngành công nghiệp khoáng sản quan trọng. Nhất là khi mà sự tăng cường khai thác và xử lý khoáng chất đã gây ra tác động tiêu cực đến môi trường, với lượng nước rút ra tăng gần gấp đôi từ năm 2018 đến 2021 và lượng khí thải nhà kính vẫn ở mức cao.
Giám đốc điều hành của IEA, Fatih Birol, cho biết, dù thị trường khoáng sản quan trọng đang tăng trưởng nhanh chóng, nhưng vẫn còn nhiều thách thức. Việc đảm bảo nguồn cung ứng khoáng sản quan trọng an toàn và bền vững đòi hỏi nhiều công việc cần được thực hiện.
Phan Huyền