Uniqlo chịu áp lực từ khách hàng và cộng đồng mạng
Khi Nga tiến quân vào tấn công Ukraine, nhiều nhà bán lẻ đã lần lượt ngừng kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, Uniqlo, công ty thuộc tập đoàn Fast Retailing tại Nhật Bản và đang có 50 cửa hàng tại Nga vẫn quyết tâm ở lại “Xứ sở Bạch Dương”. Trong khi trước đó, các đối thủ bán lẻ khác của Uniqlo như Hennes & Mauritz AB, Zara đã ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga.
Cách đây khoảng một tuần, ông Tadashi Yanai, Chủ tịch kiêm CEO Fast Retailing cam kết Uniqlo sẽ không rời Nga. Bên cạnh đó, ông Yanai còn khẳng định: “Quần áo là sản phẩm thiết yếu. Người Nga có quyền sống giống như chúng ta”. Tuy nhiên, lời khẳng định trên của ông Yanai đã nhận được nhiều ý kiến phản đối từ cộng đồng mạng.
Một số người dùng mạng xã hội đã đã gắn hashtag #BoycottUNIQLO (Tẩy chay Uniqlo) nhằm phản đối việc Uniqlo ở lại Nga. Ngoài ra, việc Uniqlo quyết tâm bám trụ tại Nga trong bối cảnh nước này tấn công Ukraine đã tạo ra làn sóng phản đối dữ dội từ một số khách hàng của nhãn hàng này.
Đứng trước áp lực đó, ngày 10/3 tập đoàn Fast Retailing đã tuyên bố ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga để góp một phần vào nỗ lực làm suy yếu chiến tranh. Tập đoàn này dự kiến đóng toàn bộ cửa hàng, bao gồm cả bán hàng trực tuyến tại Nga.
Bên cạnh đó, Fast Retailing cũng cho biết doanh nghiệp đang quyên góp quần áo và các mặt hàng khác cho những người Ukraine đi sơ tán. Đồng thời, tập đoàn này đã quyên góp 10 triệu USD cho cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc.
Chiến tranh Nga – Ukraine tạo ra làn sóng di cư của các tập đoàn quốc tế
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine đang tạo ra làn sóng di cư của các tập đoàn quốc tế. Apple, H&M, Nike, Ikea, LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, Hermès và Chanel cho biết sẽ tạm đóng cửa hàng tại Nga. Cách đây vài ngày, Levi Strauss & Company và Adidas cho biết họ cũng ngừng các hoạt động kinh doanh tại đất nước này.
Ngoài ra còn có McDonald’s và Starbucks thông báo tạm thời đóng hàng trăm cửa hàng tại Nga. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất ôtô như BMW, General Motor, Toyota và Honda tạm ngừng sản xuất và xuất khẩu sang nước này.
Các tập đoàn kinh doanh khách sạn như Hilton Worldwide Holdings và Hyatt Hotels Corp cũng thông báo ngừng hoạt động tại Nga. Tập đoàn thực phẩm và đồ uống Mondelez International thông báo sẽ giảm hoạt động không thiết yếu, chỉ duy trì cung ứng thực phẩm tại Nga.
Huyền Tú
Maersk: Tham vọng “Xanh hoá” để dẫn đầu