Hiệp định AfCFTA đáng lẽ sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 01/07/2020, tuy nhiên, do sự diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Uỷ ban liên minh châu Phi đã quyết định dời ngày hiệu lực sang tháng 1 năm sau.
AfCFTA: African Continental Free Trade Area – Khu vực thương mại tự do xuyên châu Phi
Tổng thư ký AfCFTA – ông Wamkele Mene cho biết chính phủ châu Phi hiện đang tập trung tất cả các nguồn lực để chống lại dịch bệnh, đặt sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Ông Mene cũng chia sẻ rằng tình hình thị trường hiện tại không hề thuận lợi để thực thi dự án về khu vực tự do thương mại khi 42/55 quốc gia tại châu Phi đang thực hiện chính sách cách ly xã hội và ở khu vực biên giới, xe tải đang phải xếp hàng chờ hơn 50 km để phân phối các mặt hàng thiết yếu trong châu lục.
Ông Wamkele Mene được đề cử bởi liên minh châu Phi vào tháng 3 vừa rồi để quản lý quá trình thực thi hiệp định AfCFTA.
Quyết định cẩn thận
Quyết định lùi ngày khởi động khu vực tự do thương mại được đưa ra sau khi tham khảo nhiều ý kiến tư vấn của các chuyên gia trong ngành.
Ông Mene phát biểu trong hội nghị online được tổ chức bởi Diễn đàn CEO châu Phi (Africa CEO’s Forum) vào hôm qua: “Việc đình chỉ ngày hiệu lực của AfCFTA không phải là quyết định của tôi mà là của những nhà lãnh đạo chính phủ các quốc gia trong liên minh châu Phi. Tôi chỉ cung cấp cho hội đồng những số liệu thực tế liên quan đến tình hình đại dịch Covid-19. Ngày hiệu lực mới đã được tư vấn kỹ càng, có xem xét phân khúc tư nhân và cũng sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thời điểm dịch bệnh được kiểm soát.”
Quá trình xem xét hiệp định AfCFTA đã mất tháng 3 và tháng 4 – hai mốc thời gian rất quan trọng để đàm phán về các vấn đề kỹ thuật như quy định xuất xứ đối với một số ngành nghề đặc biệt, các quy định về ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa cũng như cam kết giao thương trong ngành dịch vụ.
Động lực mạnh mẽ
Ông Mene trao đổi: “Chúng tôi mong muốn khôi phục thương mại ngay khi chính phủ các nước cho phép mở cửa và chúng tôi cũng đang làm việc sát sao với Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh để lên kế hoạch về cách thức phục hồi sau khi đại dịch kết thúc.”
Để châu Phi sớm khôi phục nền kinh tế và giao thương cũng như tạo động lực cho sự phát triển hậu Covid19, các quốc gia sẽ càng phải thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận thương mại xuyên lục địa, do đó là một cơ hội vàng để phát triển nền thương mại của châu lục, đặt trong tình hình kim ngạch xuất khẩu của châu Phi dự kiến sẽ giảm hơn 20% so với năm 2019.
Một khi đại dịch kết thúc và kinh tế hồi phục, sẽ có hơn 250 cuộc đàm phán liên quan đến thương mại được thực hiện với mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ để đưa ra các ưu đãi về thuế quan tốt nhất cho thị trường.
Đạo luật cơ hội và phát triển châu Phi (African Growth and Opportunity Act – AGOA) sẽ sớm kết thúc vào năm 2025 và hiện nay Mỹ đang bắt đầu có những động thái đàm phán các hiệp định song phương với một số quốc gia tại châu Phi. Tuy nhiên, các quốc gia thành viên đang rất thận trọng trong việc tham gia vào những thỏa thuận thương mại với bên thứ 3, thay vào đó, họ đặt niềm tin lớn vào sự thành công của AfCFTA.
Biên dịch: Dandelion