Trước đó vào tháng 4, OPEC+ đã quyết định cắt giảm 9,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong hai tháng tiếp theo để kích giá lên gấp đôi sau khi giá dầu giảm sút nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Lượng cắt giảm dự kiến sẽ ở mức 7,7 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 cho đến hết tháng 12 năm nay.
Theo bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út – Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, “Thực tế nhu cầu đối với nguồn dầu thô đang dần khôi phục do những nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn trên thế giới đang rục rịch trở lại. Tuy nhiên, khủng hoảng toàn cầu chưa được giải quyết triệt để, dịch bệnh tiếp tục hoành hành và chúng ta vẫn còn phải đối diện với những thách thức phía trước.”
Giá dầu Brent đã ghi nhận mức cao nhất trong 3 tháng gần đây vào thứ 6 tuần vừa rồi, đạt trên 42 đô mỗi thùng, sau khi giảm sâu xuống còn 20 đô/thùng vào tháng 4. Tuy nhiên, mức giá vẫn thấp hơn 1/3 so với số liệu vào cuối năm ngoái.
Ông Bjornar Tonhaugen từ công ty Rystad Energy chia sẻ: “Giá dầu được kỳ vọng sẽ đạt mức cao từ thứ hai tuần sau, duy trì ở mức trên 40 đô mỗi thùng.”
Ả Rập Xê Út và Nga hiện đang nỗ lực cân đối giữa việc đẩy mạnh giá dầu để duy trì nguồn ngân sách cần thiết và đồng thời phải đảm bảo mức giá không vượt quá 50 đô mỗi thùng để cạnh tranh với nguồn cung dầu đá phiến từ Mỹ.
Tuy nhiên, liệu Ả Rập, UAE và Kuwait có tiếp tục cắt giảm nguồn cung dầu thô sau tháng 7 nữa hay không vẫn chưa được chính thức thông báo.
Các nước OPEC+ tiếp tục phải đối phó với lượng dầu tồn kho khổng lồ
Trước cuộc họp diễn ra vào thứ 7 vừa rồi, Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã trò chuyện với các nhà lãnh đạo của Nga và Ả Rập, bày tỏ sự hài lòng đối với tình hình khôi phục của giá dầu.
Một điều đáng chú ý là mức giá dầu, cho dù có tăng lên đáng kể, vẫn thấp hơn nhiều so với chi phí mà các nhà sản xuất dầu từ đá phiến ở Mỹ phải chi trả. Dưới tác động của đại dịch, nhiều nhà máy cung ứng dầu khắp nước Mỹ buộc phải đóng cửa, sa thải nhân lực nhằm giảm thiểu tối đa chi phí vận hành.
Bộ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ, ông Dan Brouillette đã thể hiện quan điểm trên Twitter sau quyết định kéo dài thời gian cắt giảm nguồn cung dầu của OPEC+: “Tôi rất hoan nghênh việc OPEC+ đi đến thỏa thuận quan trọng vào đúng thời điểm then chốt khi nhu cầu đối với dầu đang khôi phục và nhiều nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại.”
Mặc dù lệnh cách ly xã hội trên toàn cầu đã dịu đi, và dự kiến lượng cầu đối với dầu có lúc sẽ vượt quá lượng cung sản xuất được, hiện tại OPEC+ vẫn còn tồn đọng 1 tỷ thùng dầu tích lũy từ tháng 3 đến giờ chưa được xử lý.
Quyết định của OPEC+ sẽ giúp các quốc gia thành viên cắt giảm lượng dầu tồn kho từ mức 3 triệu đến 4 triệu thùng cho giai đoạn tháng 7, tháng 8. Một khi sản lượng dầu tồn sụt giảm, giá dầu chắc chắn sẽ tăng lên.
Bộ Xăng dầu của Nigeria đã khẳng định rằng thủ đô Abuja ủng hộ quyết định đưa ra bởi OPEC+, với kỳ vọng sẽ bù đắp được lượng dầu dư thừa vào tháng 5 và tháng 6. Trong khi đó, Iraq cũng đưa ra ý kiến đồng thuận cho dù còn chưa định hình được cách thức để các nhà lãnh đạo thủ đô Baghdad thuyết phục các đế chế cắt giảm sản lượng dầu.
Vào tháng 5, theo số liệu cung cấp bởi OPEC+, Iraq, Nigeria, Angola, Kazakhstan và Nga đã sản xuất lần lượt 520.000, 120.000, 130.000, 180.000 và 100.000 thùng dầu vượt quá hạn ngạch đưa ra.
Hội đồng bộ trưởng của các quốc gia thành viên OPEC+, gọi chung là JMMC (Joint Ministerial Monitoring Committee), sẽ tổ chức các buổi họp định kỳ hàng tháng cho đến tháng 12 năm nay để cập nhật thường xuyên tình hình thị trường, cũng như bàn bạc về các biện pháp cắt giảm sản lượng phù hợp. Hội nghị tiếp theo của JMMC sẽ diễn ra vào 18/06.
OPEC và OPEC+ cũng sẽ tổ chức buổi họp tiếp theo vào 30/11 và 01/12./
Biên dịch: Dandelion