CISG là gì?
CISG là chữ viết tắt tên tiếng Anh của Công ước của Liên Hợp Quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods). CISG được soạn thảo bởi Ủy ban của Liên Hợp Quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) trong một nỗ lực hướng tới việc thống nhất nguồn luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ước này được thông qua tại Viên (Áo) ngày 11 tháng 04 năm 1980 (nên còn được gọi là Công ước Viên năm 1980) và có hiệu lực từ ngày 01/01/1988.
Nội dung chính của CISG
CISG gồm 101 điều quy định về hầu hết các vấn đề pháp lý quan trọng trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng, được chia làm 4 phần với các nội dung chính sau:
Phần 1: Phạm vi áp dụng và các quy định chung (Điều 1 – Điều 13): Phần này quy định trường hợp nào CISG được áp dụng, đồng thời nêu rõ nguyên tắc trong việc áp dụng CISG, nguyên tắc diễn giải các tuyên bố, hành vi và xử sự của các bên, nguyên tắc tự do về hình thức của hợp đồng, nguyên tắc áp dụng tập quán và thói quen.
Phần 2: Thành lập hợp đồng (trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng) (Điều 14 – Điều 24): Công ước về các vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Công ước quy định về chào hàng, hiệu lực của chào hàng, thu hồi và hủy bỏ chào hàng; nội dung của chấp nhận chào hàng; khi nào và trong điều kiện nào, một chấp nhận chào hàng là có hiệu lực và cùng với chào hàng cấu thành hợp đồng; thời hạn để chấp nhận, chấp nhận muộn; kéo dài thời hạn chấp nhận. Ngoài ra, Công ước còn có quy định về thu hồi chấp nhận chào hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực.
Phần 3: Mua bán hàng hóa (Điều 25 – Điều 88): Các vấn đề pháp lý trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Phần 3 được chia thành 5 chương với những nội dung cơ bản như sau:
- Chương I: Những quy định chung
- Chương II: Nghĩa vụ của người bán
- Chương III: Nghĩa vụ của người mua
- Chương IV: Chuyển rủi ro
- Chương V: Các điều khoản chung của người bán và người mua
Phần 4: Các quy định cuối cùng (Điều 89 – Điều 101): Phần này quy định về các thủ tục để các quốc gia ký kết, phê chuẩn, gia nhập Công ước, các bảo lưu có thể áp dụng, thời điểm Công ước có hiệu lực và một số vấn đề thủ tục khác.
Vai trò của CISG trong thương mại quốc tế
- CISG đã trở thành một trong những công ước quốc tế về thương mại được phê chuẩn và áp dụng rộng rãi nhất với 85 quốc gia thành viên. Hầu hết các cường quốc về kinh tế trên thế giới như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Australia,… đều đã tham gia CISG.
- CISG điều chỉnh các giao dịch chiếm đến 80% thương mại hàng hóa trên thế giới.
- Có ít nhất 3000 vụ tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trong đó tòa án và trọng tài áp dụng CISG để giải quyết. Những vụ việc này không chỉ phát sinh tại các quốc gia thành viên, nhiều doanh nhân tại các quốc gia chưa phải là thành viên CISG đã tự nguyện áp dụng CISG cho các giao dịch thương mại quốc tế của mình do thấy được những ưu việt của CISG so với luật quốc gia.
- CISG là tiền đề và là nguồn tham khảo quan trọng của Bộ nguyên tắc UNIDROIT về Hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) và Bộ nguyên tắc của Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL). Các Bộ nguyên tắc này đã trở thành các văn bản thống nhất luật quan trọng về hợp đồng, được nhiều quốc gia và doanh nhân tham khảo và sử dụng trong các giao dịch thương mại quốc tế.
- CISG là nguồn tham khảo quan trọng của luật thương mại hợp đồng của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ví dụ, khái niệm “vi phạm cơ bản”, được đưa vào Luật Thương mại Việt Nam năm 2005 trên cơ sở tham khảo khái niệm tương ứng tại Điều 25 trong CISG.
Theo các chuyên gia và các doanh nghiệp, có nhiều yếu tố lý giải vì sao CISG là một trong những công ước thống nhất về luật tư thành công nhất:
- Thứ nhất, CISG được soạn thảo và thực thi dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc – tổ chức quốc tế liên chính phủ lớn nhất hành tinh.
- Thứ hai, cách thức soạn thảo CISG cho thấy những nỗ lực thực sự trong việc tạo ra các quy phạm thực chất thống nhất về mua bán hàng hóa quốc tế.
- Thứ ba, nội dung của công ước được đánh giá là hiện đại, linh hoạt, phù hợp với thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế.
- Thứ 4, CISG có được sự ủng hộ rất lớn từ phía các trọng tài quốc tế và của ICC (International Chamber of Commerce – Phòng Thương mại Quốc tế).
Một số lưu ý khi sử dụng CISG
Thứ nhất, về tính quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, CISG được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, theo đó, tiêu chí để xác định tính quốc tế của hợp đồng là địa điểm kinh doanh của các chủ thể.
Hợp đồng được coi là hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế khi các bên hợp đồng có địa điểm kinh doanh đặt tại các quốc gia khác nhau (Điều 1.1.a). Ngoài ra, điều 1.3 CISG nêu rõ, quốc tịch của các bên không phải là tiêu chí được xét đến để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng. Như vậy, hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa hai công ty có quốc tịch khác nhau, nhưng lại có địa điểm kinh doanh tại cùng một quốc gia, thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của CISG. Cần lưu ý là CISG không quy định tiêu chí hàng hóa phải được chuyển qua biên giới.
Thứ hai, CISG không điều chỉnh các giao dịch mua bán một số loại hàng hóa nhất định.
Điều 2 của Công ước đã đưa ra những quy định nhằm loại trừ việc áp dụng Công ước trong một số trường hợp nhất định; tuy nhiên, những loại trừ này cần được phải giải thích một cách chặt chẽ dựa trên ý chí của người làm luật cũng như thực tiễn áp dụng tại những nước thành viên. Những loại trừ áp dụng được liệt kê tại Điều 2 từ điểm a đến f, được gọi chung thành ba nhóm chính như sau:
(i) loại trừ được dựa trên mục đích mua bán, trao đổi hàng hóa;
(ii) loại trừ dựa vào loại giao dịch của các bên;
(iii) loại trừ dựa vào loại hàng hóa giao dịch.
Theo đó, Công ước loại trừ áp dụng đối với (i) những hợp đồng mua bán hàng hóa vì mục đích tiêu dùng, (ii) một số loại giao dịch đặc thù như bán đấu giá, bán hàng hóa để thi hành luật hoặc các quyết định tư pháp hay mua bán chứng khoán và (iii) những giao dịch mua bán tàu thủy, máy bay, các máy chạy trên đệm không khí và điện năng.
Thứ ba, các quy định của CISG không bao trùm mọi vấn đề pháp lý có liên quan đến hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Điều 4 Công ước quy định Công ước chỉ điều chỉnh “việc ký kết hợp đồng mua bán và các quyền và nghĩa vụ của người bán và người mua phát sinh từ hợp đồng đó” mà không liên quan đến (i) tính hiệu lực của hợp đồng hay bất kỳ điều khoản nào trong hợp đồng và (ii) việc chuyển quyền sở hữu hàng hóa.
Ngoài ra, trong CISG chưa có các quy định về một số vấn đề pháp lý khác như: trách nhiệm của các bên trong giai đoạn đàm phán, vấn đề ủy quyền, vấn đề thời hiệu, vấn đề chuyển giao nghĩa vụ, chuyển giao hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng. Khi hợp đồng được điều chỉnh bởi CISG, các bên có thể dự kiến một nguồn luật bổ sung cho những vấn đề mà CISG không đề cập đến, hoặc trường hợp các bên không lựa chọn nguồn luật bổ sung cho CISG thì cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ lựa chọn.
Thứ tư, các bên có quyền từ chối áp dụng công ước.
Điều 6 của Công ước quy định “Các bên có thể loại trừ việc áp dụng công ước này hoặc, với điều kiện tuân thủ điều 12, loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực của bất kỳ điều khoản nào của công ước này”.
Điều này thể hiện tính linh hoạt của các quy phạm, theo đó hầu hết các điều khoản của CISG đều là các điều khoản tùy nghi nghĩa là các bên trong hợp đồng có thể thỏa thuận khác so với các quy định tại các điều khoản đó theo nguyên tắc tự do ý chí. Quy định “mềm dẻo” này tạo điều kiện để các thương nhân có quyền tự do thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng và lựa chọn nguồn luật áp dụng phù hợp nhất trong trường hợp họ thấy rằng các quy định của CISG chưa thực sự phù hợp.
Minh Đức
Đọc thêm: Các phương thức giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế