Chuỗi cung ứng lạnh là gì?
Cold Chain (chuỗi lạnh hay chuỗi cung ứng lạnh) được định nghĩa là hoạt động kiểm soát và điều tiết nhiệt độ thích hợp cho các sản phẩm dễ hư hỏng, cần được bảo quản lạnh nhằm duy trì chất lượng và tuổi thọ của sản phẩm từ nơi xuất xứ cho đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Dựa theo yêu cầu của từng loại hàng hoá mà nhiệt độ của chuỗi cung ứng lạnh sẽ được điều chỉnh khác nhau. Về cơ bản, có các tiêu chuẩn nhiệt độ phổ biến sau:
- Đông lạnh sâu (Deep Frozen) từ -28 đến -30 độ C. Đây là mức nhiệt độ lạnh nhất, chủ yếu dành cho vận chuyển hải sản.
- Đông lạnh (Frozen) Từ -16 đến -20 độ C, chủ yếu dành cho vận chuyển các loại thịt.
- Lạnh (Chiller) từ 2 đến 4 độ C, là mức chuẩn nhiệt độ trong tủ lạnh và thường được sử dụng để vận chuyển trái cây và rau quả để có được thời hạn sử dụng tối ưu.
Ngoài ra, mức nhiệt độ phổ biến nhất là 13 độ C được dùng để vận chuyển chuối – Loại trái cây được sản xuất và vận chuyển phổ biến hiện nay.
Khả năng duy trì nhiệt độ trong một thời gian dài phụ thuộc phần lớn vào vật liệu và phương pháp dùng để làm lạnh. Các vật liệu chính được sử dụng trong quá trình vận chuyển bao gồm: Đá khô, Gói gel, Các tấm eutectic, Nitơ lỏng, Miếng cách nhiệt và Reefers (Tên chung cho phương tiện vận tải được kiểm soát nhiệt độ, có thể là xe tải, sơ mi rơ moóc hoặc thùng tiêu chuẩn ISO)
Lợi ích chuỗi cung ứng lạnh
Một số lợi ích mà chuỗi cung ứng lạnh mang lại có thể kể đến như:
- Giảm tỷ lệ sản phẩm hư hỏng, kéo dài chu kỳ sản phẩm:
Việc sử dụng chuỗi lạnh sẽ kéo dài thời gian sử dụng của rau quả từ 2 – 3 ngày lên tới 7 ngày khi bảo quản tại nhà, cũng như tăng thời gian trưng bày tại cửa hàng từ 3 lên đến 7 ngày và làm giảm hao hụt từ 60-70 %. Từ đó, chuỗi cung ứng lạnh góp phần giảm chi phí thay thế hàng tồn kho và cải thiện lợi nhuận vận chuyển.
- Góp phần tăng sự hài lòng của khách hàng: Tỷ lệ sản phẩm hư hỏng giảm thiểu đồng nghĩa với tỷ lệ các đơn hàng bị lỗi cũng giảm đáng kể, chuỗi cung ứng cũng diễn ra liên tục, góp phần cải thiện sự hài lòng của khách hàng.
- Phổ vận tải rộng hơn: Nhờ được bảo quản lạnh trong suốt quá trình vận chuyển, hàng hóa luôn đạt tiêu chuẩn và giảm thiểu tối đa tổn thất trong khâu vận chuyển. Điều này giúp doanh nghiệp cải thiện xuất khẩu và có thể tiếp cận các thị trường mới.
- Bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon:
Theo Jonh Mandyck, tác giả cuốn sách Food Foolish, việc lãng phí thực phẩm trên thế giới hằng năm tương ứng với lượng phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Mandyck dẫn chứng một nghiên cứu của Deloitte chỉ ra nếu chúng ta thêm 1 tấn carbon dưới hình thức sử dụng thêm xe tải lạnh để vận chuyển thực phẩm dễ hư hỏng từ nông trại đến bàn ăn, thực ra đã tiết kiệm 10 tấn carbon dưới hình thức loại trừ lãng phí thực phẩm.
Ứng dụng và tiềm năng phát triển
Theo Prnewswire 1, nhà cung cấp hàng đầu về phát hành, phân phối tin tức cũng như phần mềm và dịch vụ liên quan đến truyền thông, thị trường chuỗi cung ứng lạnh toàn cầu được định giá 4,7 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến sẽ đạt mức 8,2 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng với tốc độ trung bình năm là 12,5% trong giai đoạn 2020-2025. Trong đó, các lĩnh vực liên quan đến y dược, thực phẩm tươi sống, nông sản là một trong các yếu tố tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng lạnh.
Ứng dụng trong lĩnh vực y dược
Ước tính khoảng 25% tổng số sản phẩm chăm sóc sức khỏe như vaccine và mẫu sinh phẩm chịu ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Để duy trì hiệu quả của chế phẩm, điều quan trọng là phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ nhất định. Theo một số thống kê, doanh thu từ dược phẩm sinh học cần bảo quản lạnh trên toàn thế giới lên tới khoảng 300 tỷ USD và dự kiến con số này sẽ tăng hơn 8% mỗi năm cho đến năm 2023.
Thông thường, các loại vaccine đều cần được bảo quản ở nhiệt độ thấp từ 2 – 8°C, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, một số loại vaccine yêu cầu nhiệt độ thấp hơn. Ví dụ, vaccine Covid 19 Pfizer phải được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ khoảng -70°C. Nếu không đáp ứng đủ yêu cầu về nhiệt độ sẽ gây ra tổn thất và thiệt hại rất lớn. Vì vậy, lưu kho bảo quản lạnh và vận chuyển lạnh mặt hàng này luôn được các nhà sản xuất đặt lên hàng đầu.
Chuỗi cung ứng lạnh giúp nhà sản xuất kiểm soát và giữ nhiệt độ vaccine luôn ở mức thích hợp, đồng thời đảm bảo chất lượng và kéo dài thời gian sử dụng của chúng, giúp doanh nghiệp trong ngành Y Dược giảm thiểu tổn thất kinh tế, tránh lãng phí cũng như đem lại ích lợi to lớn hơn cho người bệnh.
Ứng dụng trong xuất khẩu nông sản, thực phẩm tươi sống
Theo công ty nghiên cứu quốc tế IGD, thị trường thực phẩm Châu Á sẽ tăng từ 3,13 nghìn tỷ USD năm 2018 lên 4,3 nghìn tỷ USD năm 2023. Hiện nay, dân số tăng nhanh cùng xu hướng giàu lên của người tiêu dùng ở Châu Á Thái Bình Dương đã thúc đẩy nhu cầu sản phẩm tươi sống và kéo theo đó là nhu cầu kho vận lạnh của các siêu thị. Thêm vào đó, xu hướng mua sắm hàng hóa trực tuyến tăng mạnh do ảnh hưởng của đại dịch, nhất là với các mặt hàng thiết yếu hàng ngày, lại càng thúc đẩy khối lượng mua sắm trực tuyến các loại thực phẩm tươi sống.
Để có thể đưa được các loại nông sản hay thực phẩm tươi sống sang nước ngoài, cách duy nhất hiện tại là sử dụng chuỗi lạnh. Ví dụ khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, sầu riêng Việt Nam tươi sẽ được đưa vào kho cấp đông với nhiệt độ cực lạnh tới -40 độ C để bảo quản được lâu và đảm bảo chất lượng tốt nhất. Sau đó sẽ chuyển vào các container lạnh được tiếp tục cấp đông ở nhiệt độ -18 độ C, vận chuyển bằng tàu biển, khoảng ba tuần sẽ có mặt tại Mỹ.
Nhiều báo cáo thị trường đều cho rằng nhu cầu kho lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ít nhất nửa thập niên tới do người tiêu dùng Việt Nam đang thay đổi hành vi mua sắm vì những tác động mạnh từ dịch COVID-19. Hệ quả, chuỗi cung ứng lạnh vẫn đang là phân khúc nóng nhất của ngành logistics. Nhờ đó, Logistics lạnh của Việt Nam dự báo sẽ đạt giá trị 295 triệu USD vào năm 2025 với mức tăng trưởng 12% mỗi năm. Tuy là thị trường hấp dẫn nhưng để đầu tư vào phân khúc này không đơn giản. Bởi đối với chuỗi cung ứng lạnh, thời gian xây dựng kéo dài và chi phí cao được xem là rào cản.
Thuỳ Mai
Những lưu ý nên biết về hàng đi Mỹ