Chi phí vận chuyển tăng – Cơn ác mộng của các hãng nội thất
Tính đến cuối năm 2021, chi phí vận chuyển đường biển từ Á sang Âu đã tăng 1.200% kể từ khi bắt đầu đầu đại dịch. Điều này buộc hãng nội thất lớn nhất châu Âu IKEA tăng giá bán sản phẩm trung bình lên 9% trên toàn cầu để chuyển bớt chi phí vận tải biển tăng thêm sang khách hàng. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, giá bán đồ nội thất gia đình ở quốc gia này cũng tăng 12,5% vào tháng 12/2021. Ông Mindaugas Morkunas, Giám đốc bán hàng của Tập đoàn hóa chất Henkel cũng nhận định việc tăng giá bán này có thể dẫn đến giảm chi phí đầu tư, gây ra thiệt hại tài chính lớn và thậm chí là nguy cơ phá sản hàng loạt ở quy mô sản xuất nhỏ.
Sự phụ thuộc của ngành nội thất châu Âu vào Trung Quốc chính là điều đáng e ngại nhất trong thời điểm này. Theo dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc, tại Anh, nhập khẩu nội thất từ quốc gia tỉ dân này lên tới 4,3 tỷ USD vào năm 2020. Lý do khiến Trung Quốc luôn là đầu mối hút khách là sự đa dạng thể loại hàng hóa mà nước này có thể đáp ứng cho khách cũng như quan trọng nhất là giá thành cực kì rẻ. Tuy nhiên ở thời điểm này, dù có rẻ đến đâu thì khi tới tay người tiêu dùng, giá của nó cũng sẽ đội lên nhiều lần do chi phí vận chuyển ở mức “trên trời”.
Thay đổi chiến lược kinh doanh – Nỗ lực giải quyết “cơn ác mộng”
Chuyển bớt hoạt động sản xuất về nội địa và các nước láng giềng
Chi phí vận chuyển đắt đỏ đã khiến một số nhà bán lẻ nội thất ở châu Âu chuyển bớt hoạt động sản xuất về nước của họ (reshoring) hoặc những quốc gia lân cận có chi phí lao động thấp mà vẫn tiếp cận được nguồn nguyên liệu thô dồi dào (nearshoring).
Hãng bán lẻ nội thất chuyên về ghế sofa, thảm và ván lót sàn ScS, Anh đã tăng sản lượng sản xuất trong nước từ 50% lên hơn 60% trong năm vừa rồi. Hãng DFS đóng góp 40% thị phần ghế sofa ở Anh, cũng tăng cường tự động hóa ở các nhà máy trong nước để kiểm soát chủ động hơn chuỗi cung ứng và thời gian giao hàng.
Với các quốc gia không thể chuyển dịch cơ cấu sản xuất về nội địa, Aidan Conaty, người sáng lập Công ty Goodada, chuyên cung cấp dịch vụ gia công nội thất trên toàn cầu gợi ý “Bạn nên xem xét các nước có nhiều rừng”. Ví dụ như IKEA đã đặt gia công nhiều sản phẩm từ Ba Lan, quốc gia có 30% diện tích lãnh thổ là rừng, và kết quả là 1/5 sản phẩm của hãng được sản xuất năm vừa qua tại đây.
Tận dụng trung tâm phân phối lớn
Jysk, một chuỗi bán lẻ nội thất của Đan Mạch, sử dụng các trung tâm phân phối lớn nằm gần các khách hàng châu Âu để dự trữ hàng, dù vẫn duy trì nửa sản lượng sản xuất ở Trung Quốc.
Công ty thiết kế và bán lẻ nội thất trực tuyến, Made.com (Anh), bị ảnh hưởng bởi đợt đóng cửa nhà máy ở Việt Nam do lệnh giãn cách xã hội cũng sử dụng các nhà kho trong nước để giải quyết vấn đề thời gian giao hàng. Công ty này, vốn sản xuất 75% sản phẩm bên ngoài châu Âu, đang dự trữ thêm ghế sofa trước khi có đơn đặt để xử lý giao hàng trong vòng 4 tuần, thay vì 6 -7 tuần như trước.
Việc tận dụng lợi thế của các nhà kho cũng có ý nghĩa lớn vì tình trạng thiếu công nhân lành nghề trong lĩnh vực bọc ghế ở các nước châu Âu có thể làm cản trở nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất về gần “quê nhà”.
Aidtee
IKEA và những điểm đặc biệt trong chuỗi cung ứng