Những doanh nghiệp tham gia vào dự án sản xuất nhiên liệu bền vững trên quy mô toàn ngành bao gồm: Orsted (công ty về nhiên liệu tái tạo), Moller-Maersk, Sân bay Copenhagen, DSV Panalpina, DFDS và hãng hàng không Scandinavian. Mục tiêu của dự án hướng đến việc xây dựng những cơ sở vật chất ở khu vực Copenhagen để cung ứng nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường cho các ngành vận chuyển đường biển, đường hàng không và đường bộ.
Theo thông báo ngày 26/05, nhà máy sản xuất nhiên liệu sạch và hydro sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trước năm 2023, hứa hẹn sẽ phát triển trên quy mô toàn ngành trước năm 2030 với kỳ vọng có thể cung ứng trên 250.000 tấn mét (metric ton) hàng năm.
Dự kiến bình điện phân của dự án này – thiết bị để sản xuất hydro – sẽ được vận hành bằng các trang trại gió ngoài biển. Trong giai đoạn đầu, bình điện phân được xây dựng ở mức 10 mega-oát, và dự tính sẽ tăng lên 1,3 giga-oát vào giai đoạn cuối cùng.
- 1 mega-oát = 1.000 kilo-oát
- 1 giga-oát = 1.000.000 kilo-oát
Ủy ban châu Âu đã mô tả hydrogen là nhiên liệu “có tiềm năng được khai thác như một nguồn năng lượng sạch, hiệu quả trong ngành giao nhận, vận tải.”
Tuy nhiên, việc sản xuất hydro cho pin nhiên liệu để ứng dụng và ngành vận tải vẫn tồn tại một số thách thức nhất định. Theo thông tin từ cục năng lượng Mỹ, hydro thường không “tồn tại độc lập trong tự nhiên” mà cần phải được sản sinh từ những hợp chất có chứa hydro.
Nhiều nguồn năng lượng, từ nhiên liệu hóa thạch, năng lượng mặt trời đến năng lượng gió, đều có thể dùng để sản xuất hydro thông qua những quy trình nhất định như điện phân và khí hóa. Khi những nhiên liệu tái tạo được sử dụng trong quá trình sản xuất, hydro sẽ được xem là “năng lượng sạch”.
Nếu tất cả đều đi theo đúng kế hoạch, dự án ở Đan Mạch này sẽ cung cấp hydro cho việc vận hành xe buýt công cộng thầu bởi Movia, đội xe tải thuộc quản lý của DSV Panalpin; sản xuất methanol cho các con tàu của Maersk, và dầu hỏa tái tạo cho máy bay của hãng hàng không Scandinavian cũng như các hãng bay khác từ sân bay Copenhagen.
Đại diện công ty Orsted đã chia sẻ “Dự án hợp tác này hiện đang trong quá trình thảo luận với các cơ quan hoạt định chính sách và khung pháp lý để hỗ trợ cho mục tiêu phát triển nguồn nhiên liệu bền vững ở quy mô toàn ngành vận tải của Đan Mạch, đồng thời kêu gọi nguồn vốn từ cộng đồng, hỗ trợ tài chính cho việc nghiên cứu tính khả thi của dự án.”
Nếu như việc nghiên cứu tính khả thi đem lại kết quả tích cực về khả năng thành công của dự án, quyết định đầu tư cuối cùng cho giai đoạn I sẽ được đưa ra vào năm 2021.
Công nghệ Hydro thực tế đã từng được khai thác ở nhiều dự án khác trước đây, tuy nhiên vẫn ở quy mô nhỏ hẹp. Cụ thể, Luân Đôn đã cho vận hành một số xe buýt chạy bằng hydro, và tàu chạy bằng pin nhiên liệu sản xuất từ hydro của hãng đường sắt châu Âu – Alstom cũng bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 09/2018.
Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota và Honda đã tham gia tích cực vào thị trường pin nhiên liệu hydro, trong khi những doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn như Riversimple (xứ Wales) cũng đang phát triển các dòng sản phẩm ô tô sử dụng công nghệ này.
Cũng vào thứ 3 tuần này, Tập đoàn Water Corporation ở miền Tây nước Úc đã thông báo dự án hợp tác với Tập đoàn Hazer để sản xuất nguồn than chì và năng lượng hydro tái tạo từ rác thải ở những nhà máy xử lỷ nước thải.
Water Corporation chia sẻ “dự án sẽ mang lại khoảng 100 tấn hydro và 380 tấn than chì mỗi năm.”, đồng thời cả hai công ty đều có ý định sẽ phát triển dự án với quy mô rộng hơn.
Ngày nay, những nhiên liệu tái tạo được định giá ở mức cao hơn nhiều so với các nhiên liệu hóa thạch. Để tăng khả năng cạnh tranh, việc sản xuất nhiên liệu bền vững cần phải được xây dựng ở quy mô lớn để tận dụng được lợi thế theo quy mô. Dự án này hứa hẹn sẽ mang lại cho Đan Mạch một cơ hội hiếm có để tiên phong trong việc chuyển đổi ngành vận tải theo hướng xanh và sạch hơn nhờ vào những nguồn lực sẵn có của đất nước này.
Biên dịch: Dandelion