Cơ sở vật chất (Facilities)
Cơ sở vật chất là các địa điểm, nơi sản phẩm được lưu trữ, lắp ráp hoặc chế tạo. Hai loại cơ sở chính là cơ sở sản xuất và cơ sở lưu trữ.
Sự đánh đổi cơ bản mà các nhà quản lý phải đối mặt khi đưa ra quyết định là chi phí về số lượng, vị trí, công suất so với mức độ đáp ứng mà các cơ sở vật chất này mang lại cho khách hàng của công ty. Việc tăng số lượng cơ sở làm tăng chi phí cơ sở vật chất và hàng tồn kho nhưng lại giảm chi phí vận chuyển và giảm thời gian đáp ứng. Việc tăng tính linh hoạt hoặc công suất của cơ sở làm tăng chi phí cơ sở nhưng giảm chi phí tồn kho và thời gian đáp ứng.
Honda mở các cơ sở sản xuất ở mọi thị trường lớn mà họ tham gia nhằm tăng khả năng đáp ứng khách hàng. Bên cạnh đó, việc các cơ sở của Honda linh hoạt trong việc lắp ráp cả xe SUV và xe hơi trong cùng một nhà máy cho phép công ty giảm chi phí trong thời kỳ suy thoái năm 2008. Trong khi các cơ sở sản xuất SUV của các đối thủ cạnh tranh không hoạt động, các cơ sở của Honda vẫn duy trì mức độ sử dụng cao.
Hàng tồn kho (Inventory)
Hàng tồn kho bao gồm tất cả các nguyên liệu thô, sản phẩm trong quá trình xử lý và thành phẩm trong chuỗi cung ứng.
Với những quyết định về hàng tồn kho, sự đánh đổi cơ bản mà các nhà quản lý phải đối mặt là giữa khả năng đáp ứng và hiệu quả về chi phí. Việc tăng hàng tồn kho nói chung làm cho chuỗi cung ứng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng. Mức tồn kho cao hơn cũng tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất và vận chuyển vì lợi thế quy mô được cải thiện (do các đơn đặt hàng số lượng lớn từ các nhà cung cấp giúp giảm chi phí nguyên liệu, hoặc chi phí vốn thấp hơn). Tuy nhiên, lựa chọn này làm tăng chi phí giữ hàng tồn kho. Mục tiêu của thiết kế chuỗi cung ứng là tìm ra hình thức, vị trí và số lượng hàng tồn kho phù hợp để cung cấp mức độ đáp ứng phù hợp với chi phí thấp nhất có thể.
Ví dụ, W.W. Grainger, nhà cung cấp vật tư công nghiệp chất lượng hàng đầu thế giới, dự trữ một lượng lớn hàng tồn kho vì các sản phẩm của hãng vẫn giữ được giá trị trong một thời gian dài. Tuy nhiên, mức tồn kho cao có thể nguy hiểm trong kinh doanh hàng may mặc thời trang bởi tính thay đổi theo mùa và xu hướng. Thay vì giữ mức tồn kho cao, Zara đã rút ngắn thời gian đưa ra sản phẩm mới với tần suất các mẫu sản phẩm mới được tung ra là 2 lần/1 tuần. Hãng cũng duy trì mức tồn kho dưới 10% so với mức trung bình 17 – 20% của nhiều công ty trên thị trường. Lịch trình sản xuất cao, ổn định, thời gian phân phối nhanh chóng của chuỗi cung ứng Zara giúp hãng này cung cấp khả năng đáp ứng với chi phí thấp.
Vận tải (Transportation)
Vận tải là việc di chuyển hàng tồn kho từ điểm này đến điểm khác trong chuỗi cung ứng. Vận tải bao gồm nhiều hình thức kết hợp giữa các phương thức và tuyến đường, mỗi phương thức có những đặc điểm hoạt động riêng.
Các lựa chọn về vận tải có tác động lớn đến khả năng đáp ứng và hiệu quả của chuỗi cung ứng. Sự đánh đổi cơ bản ở đây là giữa chi phí vận chuyển một sản phẩm nhất định (hiệu quả) và tốc độ vận chuyển sản phẩm đó (khả năng đáp ứng). Sử dụng phương thức vận tải nhanh chóng đồng nghĩa với chi phí vận chuyển cao, tuy nhiên, nó giúp tăng khả năng đáp ứng và giảm chi phí lưu kho.
DHL hiện đang là đơn vị vận chuyển hàng hóa nhanh nhất, các đơn hàng luôn đảm bảo được sự an toàn, bảo mật, tuy nhiên, cước phí vận chuyển rất cao so với mặt bằng chung. Do đó, DHL sẽ phù hợp với hàng cần chuyển đi gấp như chứng từ hóa đơn, hàng triển lãm, hàng mẫu, v.v. FEDEX được đánh giá có giá cả hợp lý, ổn định, song thời gian giao hàng của họ vẫn chưa nhanh bằng DHL. Nếu không thật sự gấp rút thì FEDEX nên là lựa chọn của khách hàng để tối ưu chi phí.
Thông tin (Information)
Thông tin bao gồm dữ liệu và các phân tích liên quan đến cơ sở vật chất, hàng tồn kho, vận chuyển, chi phí, giá cả và khách hàng trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Thông tin là yếu tố thúc đẩy hiệu suất lớn nhất trong chuỗi cung ứng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến từng yếu tố còn lại.
Thông tin tốt rõ ràng sẽ giúp một công ty cải thiện cả hiệu quả và khả năng đáp ứng. Đánh đổi giữa độ phức tạp và giá trị thông tin là điều quan trọng cần xem xét khi thiết lập cơ sở hạ tầng thông tin. Khi nhiều thông tin được chia sẻ trong một chuỗi cung ứng, sự phức tạp và chi phí phân tích cần thiết sẽ tăng lên. Tuy nhiên, giá trị biên được cung cấp bởi thông tin được chia sẻ sẽ giảm đi khi ngày càng có nhiều thông tin hơn. Do đó, điều quan trọng là phải đánh giá được mức độ tin cậy của thông tin để có thể đạt được các mục tiêu mong muốn.
Walmart, nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, đã sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung để có thể cân bằng cung cầu. Kết quả là Walmart có thể kỳ vọng gần như hoàn thành 100% đơn đặt hàng đối với hàng hóa trong khi chi phí sản xuất và bổ sung được giảm xuống.
Nguồn cung ứng (Sourcing)
Tìm nguồn cung ứng là sự lựa chọn người thực hiện các hoạt động chuỗi cung ứng như sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hoặc quản lý thông tin. Ở cấp độ chiến lược, những quyết định này tương ứng với mỗi chức năng, doanh nghiệp nên tự thực hiện hay thuê ngoài.
Các quyết định về nguồn cung ứng cần được thực hiện để tăng quy mô của tổng thặng dư được chia sẻ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Gia công cho bên thứ ba có ý nghĩa nếu bên thứ ba tăng thặng dư chuỗi cung ứng nhiều hơn mức mà công ty có thể tự mình làm. Ngược lại, một công ty nên duy trì chức năng chuỗi cung ứng nội bộ nếu bên thứ ba không thể tăng thặng dư chuỗi cung ứng hoặc nếu rủi ro liên quan đến việc thuê ngoài là đáng kể.
Hiện nay, xu hướng thuê ngoài dịch vụ logistics ngày càng nhiều. Theo công bố của Frost Sullivan, tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường thuê ngoài dịch vụ logistics thế giới đạt 10-20%/ năm. Phần lớn các tập đoàn lớn trên thế giới như Dell, Walmart, Nortel, GAP, Nike đều sử dụng nhà cung cấp dịch vụ thứ ba hoặc thứ tư, chính xu hướng này đã giúp thị trường logistics thế giới tăng trưởng ở mức hai con số.
Giá (Prices)
Giá là mức phí mà một công ty sẽ tính cho hàng hóa và dịch vụ mà công ty đó cung cấp trong chuỗi cung ứng. Giá cả ảnh hưởng đến hành vi của người mua hàng hóa hoặc dịch vụ, do đó ảnh hưởng đến hiệu quả của chuỗi cung ứng.
Tất cả các quyết định định giá phải được thực hiện với mục tiêu tăng lợi nhuận của công ty. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết về cấu trúc chi phí của việc thực hiện một hoạt động và giá trị mà hoạt động này mang lại cho chuỗi cung ứng. Các chiến lược như định giá thấp hàng ngày (Walmart) có thể thúc đẩy nhu cầu ổn định cho phép đạt được hiệu quả trong chuỗi cung ứng. Các chiến lược định giá khác có thể giảm chi phí chuỗi cung ứng, bảo vệ thị phần, hoặc thậm chí đánh cắp thị phần. Định giá chênh lệch có thể được sử dụng để thu hút khách hàng có nhu cầu khác nhau, miễn là chiến lược này giúp tăng doanh thu hoặc giảm chi phí, tốt nhất là cả hai.
Điều quan trọng là các yếu tố này không hành động độc lập mà tương tác để xác định hiệu suất tổng thể của chuỗi cung ứng.
Minh Ngô