Việt Nam – Đối tác thương mại “đang lên” của Hoa Kỳ
Theo dữ liệu của Descartes Datamyne, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại “đang lên” của Hoa Kỳ, khi mà ngày càng nhiều các sản phẩm được nhập khẩu vào thị trường này từ đồ nội thất gỗ, sản phẩm dệt may, thiết bị máy móc cho đến các linh kiện, bán dẫn.
Đặc biệt xu hướng đa dạng nguồn cung giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đã đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Chính vì lẽ đó, Việt Nam đang là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.
Hình tượng chống dịch thành công bị “lung lay”?
Ở những giai đoạn đầu dịch Covid-19, Việt Nam được xem là một trong những hình tượng chống dịch thành công của thế giới. Kết quả này đã giúp GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2.9%, một trong những mức tăng trưởng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi làn sóng dịch lần thứ 4 xuất hiện vào tháng 5/2021, số ca mắc tăng nhanh trên cả nước. Quan trọng hơn, tâm dịch lại tập trung tại các trung tâm sản xuất chính của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương. Chuỗi cung ứng của nhiều công ty FDI có nhà máy đặt tại khu vực này phải quay cuồng, do không thể duy trì được sản xuất như bình thường cũng như tình hình vận chuyển gần như là đóng băng.
Nửa tháng trở lại đây, nền kinh tế dần mở cửa trở lại, nhưng các doanh nghiệp lại đối mặt với rủi ro mới, liên quan đến việc khan hiếm lao động, khi xu hướng “bỏ phố về quê” đang tăng mạnh.
Các cảng biển bị “sờ gáy”
Trong đợt dịch lần này, các cảng biển cũng không tránh khỏi tình trạng bị “sờ gáy”. Theo số liệu từ Project 44, các chuyến hàng liên tục bị trì hoãn, tốc độ vận hành cảng giảm sút. Thời gian lưu container tại các cảng liên tục tăng mạnh kể từ tháng 8/2021. Số lượng lao động tại các cảng giảm khoảng 50% do các biện pháp phòng dịch và cả số ca nhiễm là nhân viên cảng tăng mạnh.
Lưu ý: Dữ liệu ngày 11/09/2021 là trung bình của các ngày xung quanh do thiếu điểm dữ liệu.
Xuất khẩu sang Mỹ giảm sau nhiều tháng tăng trưởng dương
Khi các nhà máy đóng cửa hoặc giảm công suất trên cả nước, tình hình xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ chịu ảnh hưởng phần nào. Các biện pháp phòng dịch bắt đầu từ hồi tháng 5, tháng 6, song tình hình xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong tháng 7 và tháng 8 vẫn không bị ảnh hưởng nhiều, do các doanh nghiệp đã duy trì 1 lượng tồn kho hợp lý.
Tuy nhiên, tốc độ tăng đã bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm trong tháng 9/2021, lần đầu tiên sau một khoảng thời gian dài tăng trưởng dương.
Các thương hiệu đa quốc gia dần cảm nhận sự ảnh hưởng
Trong một báo cáo của Cowen and Company, các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư đã xem xét mức độ ảnh hưởng của các thương hiệu bằng cách phân tích mức độ phụ thuộc của thương hiệu vào nguồn cung ứng của họ tại Việt Nam. Hiện, Foot Locker, Adidas Ag, Nike, v.v. là những thương hiệu có nguồn cung phụ thuộc vào thị trường Việt Nam nhiều nhất.
Như Jonathan Ramsden, Giám đốc tài chính của Big Lots, cho biết việc đóng cửa nhà máy dự kiến sẽ khiến công ty mất 60 triệu USD doanh thu khi lượng hàng sản xuất ra không kịp đáp ứng mùa mua sắm cuối năm.
Sóng gió bắt đầu đối với các doanh nghiệp đồ nội thất và thời trang
Theo dữ liệu của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới do Descartes 'Jones cung cấp, Việt Nam là đối tác cung cấp các sản phẩm đồ gỗ nội thất lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu (tính theo TEU) và 28% nếu tính theo vận đơn. Do đó, sự sụt giảm sản xuất ở các doanh nghiệp chế biến sâu tại khu vực Bình Dương, Đồng Nai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp đồ nội thất gỗ tại Mỹ.
Theo sau là các doanh nghiệp ngành may mặc, lượng sản phẩm ngành dệt may và da giày từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ không ngừng tăng mạnh, kể từ năm 2019. Tuy nhiên, làn sóng Covid-19 đã khiến nhiều công ty như Nike, Adidas, Zara hay Under Armour phải hứng chịu những sóng gió, khi các nhà máy phải đóng cửa.
Hiện các nhà máy Việt Nam đã bắt đầu mở cửa trở lại kể từ tháng 10, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng để phục hồi công suất có thể mất một thời gian dài. Bên cạnh đó, tỷ lệ phủ vaccine ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, do đó, khả năng bùng phát dịch vẫn còn rất cao. Vì vậy, tương lai của các doanh nghiệp có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều rủi ro.
Huyền Trân
ĐỌC THÊM:
Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, khó khôi phục lại sản xuất