Doanh nghiệp dệt may Việt rơi vào cơn lốc “khát” đơn hàng
Sau những bước phục hồi đầy ấn tượng vào năm 2022, năm 2023, thị trường dệt may Việt Nam có lẽ sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, tại thị trường xuất khẩu, ngành dệt may được dự báo cũng không mấy khả quan do phải chịu nhiều tác động bất lợi của tình hình kinh tế thế giới.
Số liệu của Tổng cục Thống kê chỉ ra rằng, năm 2022, kim ngạch dệt may đạt 44,4 tỷ đô la Mỹ, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên, ở những tháng đầu năm 2023, thị trường dệt may Việt Nam đã phải đối diện với nhiều thách thức mới từ nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề lạm phát ở các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu… khiến người dân giảm chi tiêu. Hàng tồn kho các sản phẩm dệt may của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao, ảnh hưởng đáng kể đến triển vọng đơn hàng đầu năm nay. Từ quý IV/2022 cho đến nay, các doanh nghiệp dệt may chỉ nhận được vài đơn hàng hoặc thậm chí là không có đơn hàng nào. Có những nhà máy dệt may hàng nghìn lao động nhưng chỉ nhận được đơn hàng với vài trăm sản phẩm và giá gia công chỉ bằng một nửa so với trước. Do đó, họ đang phải tìm hướng thích ứng để tồn tại, duy trì sản xuất để cố giữ lao động.
Chính vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam dự báo rằng, nếu thị trường dệt may có thể phục hồi tốt trong 6 tháng cuối năm nay, xuất khẩu dệt may của cả năm sẽ có thể chạm mốc con số 47 tỷ đô la Mỹ. Ngược lại, nếu tình hình trở nên xấu đi, giá trị xuất khẩu sẽ chỉ nhỉnh hơn năm 2022 một chút với con số 45 tỷ đô la Mỹ.
Những rào cản nảy sinh tại thị trường lớn EU
Báo cáo “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn cho ngành dệt may được hỗ trợ bởi các quy tắc chung về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (ERP) tại EU” xuất bản tháng 7/2022 của Quỹ Ellen MacArthur cho biết trung bình mỗi năm người dân châu Âu loại bỏ khoảng 11kg quần áo mới mặc khoảng 7 – 8 lần. Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu chung của EU (JRC), mỗi năm có đến 3,3 đến 3,7 triệu tấn quần áo và đồ dệt gia dụng có thể bị loại bỏ. Trong đó chỉ có khoảng 38% sản phẩm bị loại bỏ được thu gom, còn lại chúng chủ yếu được xử lý bằng biện pháp đốt hoặc chôn lấp. Điều này đã khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nặng nề, lượng phát thải khí nhà kính cũng theo đó mà tăng lên nhanh chóng.
Đó chính là lý do EU đã tiến hành áp dụng quy tắc Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). EU cũng đưa ra hàng loạt các tiêu chuẩn về phát triển bền vững trong chiến lược ngành dệt may. Các tiêu chuẩn này nhằm chuyển đối từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững với các sản phẩm có thể tái chế. Điều này đặt doanh nghiệp dệt may vào trạng thái luôn phải minh bạch thông tin của chuỗi cung ứng dệt may khi có yêu cầu về kiểm tra, đánh giá. Ngoài ra, ở châu Âu còn có thỏa thuận xanh “Green new” với các mục tiêu đến năm 2030-2050, thỏa thuận về phát triển dệt may bền vững với rất nhiều các yêu cầu về nguyên vật liệu tái chế cũng như tuổi thọ của sản phẩm.
Một cuộc điều tra người tiêu dùng ở quy mô toàn cầu mới đây của Tập đoàn McKinsey chỉ ra rằng, có tới 60% người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho thời gian trong ngắn hạn và trung hạn, trong dài hạn có khoảng 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang bền vững. Sức ép từ chính người tiêu dùng sẽ là lực đẩy khuyến khích các công ty giảm chất thải và tăng tính tuần hoàn của các sản phẩm dệt may theo hướng thiết kế tốt hơn ngay từ ban đầu.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết, khi EU bắt đầu áp dụng quy tắc ERP thì đó cũng là lúc các doanh nghiệp sản xuất dệt may bắt buộc phải có giải pháp thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế riêng cho hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường EU. Bởi, nếu không quan tâm đến tính bền vững, tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh hàng may mặc cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về sản xuất xanh, doanh nghiệp sẽ không có đơn hàng và dần dần tuột tay trước những cơ hội, những dự án lớn.
Dệt may Việt bền lòng vượt qua cơn bão lớn
Để ngay lập tức đáp ứng được yêu cầu về sản xuất xanh của EU là rất khó nên trước mắt hiệp hội cũng như doanh nghiệp dệt may cần nhanh chóng tạo dựng mối quan hệ cũng như mạng lưới đối tác, hệ thống phân phối để chủ động hơn trong việc xây dựng các giải pháp đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mà thị trường EU đề ra.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam khẳng định rằng để ngành dệt may có thể phát triển bền vững hơn cần đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, nguyên phụ liệu kỹ thuật cao cũng như xây dựng các giải pháp phát triển công nghệ, tự động hóa, quản trị số và môi trường sản xuất minh bạch, bắt kịp xu thế toàn cầu, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa ngành dệt may, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Thanh Thảo