Cứu vãn tình thế trong nước
Lệnh cấm xuất khẩu gạo được New Delhi đưa ra trong bối cảnh giá gạo tại nước này đã tăng hơn 11,5% trong năm qua – con số cho thấy sự thiếu hụt về nguồn cung là lớn như thế nào. Diễn biến thời tiết không thuận lợi trong vụ lúa xuân hè chính là “giọt nước tràn ly” dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu gạo của Chính phủ Ấn Độ. Mặc dù trước đó, những người đứng đầu nước này đã áp đặt thuế 20% đối với các mặt hàng xuất khẩu, trong đó có gạo, song lượng cầu trên thế giới đã tăng mạnh sau khi điều kiện khí hậu cực đoan khiến cho dòng chảy gạo vẫn ồ ạt chảy ra khỏi quốc gia Nam Á này bất chấp mức giá tăng đáng kể.
Ấn Độ từ trước đến nay được biết đến như một cường quốc nông nghiệp, đặc biệt, quốc gia Nam Á này chiếm trên 40% sản lượng gạo toàn cầu. Mỗi năm, người Ấn tung ra ngoài thị trường hơn 20 triệu tấn gạo theo những chuyến tàu sang phía Đông (Thái Lan, Philippines) hay khu vực phía Tây (Pakistan…). Lệnh cấm có hiệu lực lại một lần nữa đặt an ninh lương thực toàn cầu vào tình trạng báo động, khi các nguồn cung không đủ thay thế, đi kèm với đó là sự “leo thang” về giá của các loại lương thực. Theo S&P, một công ty hàng đầu chuyên phân tích số lượng có trụ sở ở London đã chỉ ra rằng, giá của các loại nông sản được trồng nhiều ở Ấn Độ đều đã nhanh chóng tăng lên kể từ khi lệnh cấm được ban hành như Gạo parboiled, đã tiệm cận đỉnh của 5 năm với mức giá xấp xỉ chạm ngưỡng kỷ lục 430 USD.
Nỗi lo khủng hoảng lương thực ngày một lớn dần
Tại các cửa hàng gạo ở Mỹ, Canada và Úc, không khó để bắt gặp hình ảnh những người dân xếp hàng với những bao tải gạo chờ thanh toán, những kệ chứa lương thực trống rỗng. Đó là hệ quả của hai lệnh cấm từ Ấn Độ và Nga (“Sáng kiến ngũ cốc biển Đen” hết hiệu lực), khiến cho chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu đang thật sự báo động đỏ. Shishir Shaima, quản lý của cửa hàng tạp hóa Ấn Độ MGM Spices ở Úc đã chia sẻ rằng họ phải đặt ra giới hạn cho khách hàng, theo đó mỗi người chỉ được mua tối đa 5kg gạo, bên cạnh việc tăng giá của các mặt hàng lên.
Mới đây nhất, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực vừa khai mạc tại thủ đô Roma của Ý, Tổng Thư ký Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ ít nhất 500 tỷ USD/năm để hỗ trợ lương thực cho các quốc gia ở châu Á và châu Phi, bên cạnh đó ông cũng ra sức kêu gọi Nga gia hạn thỏa thuận ngũ cốc biển Đen nhằm cứu vãn nguồn cung lương thực toàn cầu. Thực trạng an ninh lương thực đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết, với 350 triệu người rơi vào nạn đói trầm trọng trong năm 2022, gấp gần 3 lần so với năm 2019.
Đức Minh