Liên doanh Vedanta-Foxconn chia ngả
“Foxconn xác định sẽ không tiếp tục liên doanh với Vedanta”, đại diện của Foxconn nói với CNBC. Foxconn không nêu rõ lý do rút lui, nhưng cho biết họ đã làm việc với Vedanta trong hơn một năm nhằm “biến một ý tưởng bán dẫn tuyệt vời thành hiện thực”. Tuy nhiên, tới thời điểm này, đôi bên quyết định rút khỏi thỏa thuận liên doanh, và nay dự án đã do Vedanta toàn quyền sở hữu.
Hồi năm ngoái, hãng điện tử Đài Loan Foxconn đã ký một thỏa thuận với Vedanta để thiết lập một nhà máy sản xuất màn hình và chất bán dẫn tại bang miền Tây Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ – Narendra Modi. Liên doanh ra đời trong bối cảnh Ấn Độ đặt mục tiêu tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Trong khi đó, Foxconn, vốn nổi tiếng là đơn vị gia công quan trọng của Apple, cũng muốn đa dạng hóa hoạt động kinh doanh của mình.
Thủ tướng Ấn Độ – ông Modi coi việc sản xuất chip là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược kinh tế của nước này nhằm theo đuổi “kỷ nguyên mới” trong sản xuất điện tử. Do đó, với động thái mới của Foxconn, tham vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Ấn Độ để sản xuất chip của ông Modi có khả năng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều.
Về phần mình, Vedanta cho biết duy trì cam kết đầy đủ với dự án sản xuất chất bán dẫn và “đã phối hợp với các đối tác khác để thiết lập xưởng đúc chip đầu tiên của Ấn Độ”. Vedanta tự tin tuyên bố đang làm việc với “nỗ lực gấp đôi” để hoàn thiện chủ trương về chip và chất bán dẫn của Chính phủ.
Do đâu dự án đổ bể?
Quyết định “dứt áo ra đi” khỏi liên doanh với Vedanta của Foxconn có thể phần nhiều đến từ phía Chính phủ Ấn Độ. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin trong lĩnh vực này, cho biết Foxconn không hài lòng với việc chậm phê duyệt các ưu đãi của chính phủ, trong khi New Delhi yêu cầu cần có các ước tính chi phí từ liên doanh để đưa ra ưu đãi.
Bên cạnh đó, liên doanh Vadanta-Foxconn cũng đối mặt với sự bế tắc trong cuộc đàm phán liên quan đến nhà sản xuất chip châu Âu STMicroelectronics. Trong khi Vedanta-Foxconn mong muốn STMicro tham gia cấp phép công nghệ làm chip, thì chính phủ Ấn Độ lại nói rõ rằng họ muốn công ty châu Âu có nhiều ràng buộc hơn trong toàn bộ dự án, thậm chí góp cổ phần vào liên doanh. STMicro không hào hứng với yêu cầu này và các cuộc đàm phán không đi đến kết quả.
Ngoài thương vụ Vedanta – Foxconn, tham vọng chip của Ấn Độ cũng đang gặp không ít trở ngại. Dự án trị giá 3 tỷ USD hợp tác cùng tập đoàn ISMC với Tower Semiconductor là đối tác công nghệ bị dừng do Tower Semiconductor đã được Intel mua lại hồi đầu năm, trong khi một kế hoạch 3 tỷ USD khác cũng bị đình trệ khi đối tác là quỹ IGSS Ventures muốn làm lại thủ tục đăng ký.
Nguyễn Hảo