Sự thoái trào của những đế chế dầu mỏ
Trong tuần này, giá dầu thế giới được dự báo sẽ tăng, sau một loạt các phiên họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Thông tin này được đưa ra dựa trên việc hai cường quốc dầu mỏ là Nga và Saudi Arabia đã kéo dài thời gian thực hiện cắt giảm sản lượng xuất khẩu. Cụ thể hơn, Ả Rập Saudi chuẩn bị gia hạn cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 8/2023, trong khi Nga cho biết sẽ xuất khẩu ít hơn 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày. Lý do được Moscow đưa ra là họ dự định sẽ sử dụng dầu để có thể sản xuất nhiều nhiên liệu hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa.
Tưởng rằng các nước phụ thuộc nhiều vào hai cường quốc trên sẽ gặp khủng hoảng do thiếu dầu mỏ, trong đó phải kể đến một số nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ – những khách hàng tiềm năng nhất của Moscow và Riyadh, nhưng không, hai quốc gia này cũng đang bắt tay vào công cuộc chuyển đổi sang năng lượng xanh theo hướng phát triển bền vững. Theo Ramnath Iyer, chuyên gia về tài chính năng lượng tái tạo và khí hậu châu Á tại Viện Năng lượng và Phân tích Tài chính, tỷ lệ phát điện từ nguồn năng lượng xanh của Trung Quốc đạt mức 39% trong năm 2022, trong khi con số này vào năm 2019 là 33%. Sự tăng trưởng cũng được nhìn thấy ở “người hàng xóm” Ấn Độ, với mức tăng trưởng 3% trong 3 năm.
Nhiên liệu xanh lên nhanh như diều gặp gió
Ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể thấy nhiên liệu tái tạo đang được ưa chuộng hơn nhiều, tiêu biểu nhất phải kể đến ngành công nghiệp ô tô điện. Theo ông Tim Buckley, giám đốc viện nghiên cứu về Tài chính Năng lượng Khí hậu, tại Trung Quốc, xe điện hiện chiếm khoảng 1/3 tỷ lệ xe bán ra hàng tháng, con số này gấp 5-10 lần so với mức độ tăng trưởng của ô tô điện trên thị trường toàn cầu mỗi năm. Tim cũng đưa ra nhận xét rằng con số này sẽ đạt gần như 100% trong thập kỷ này. Còn ở Ấn Độ, thị trường ô tô lớn thứ ba trên thế giới, doanh số ô tô điện đã đạt mức sáu chữ số vào đầu năm nay – gấp đôi con số cùng kỳ năm trước với 450.000 chiếc.
Có thể thấy, quá trình chuyển đổi sang xe điện có thể vẫn đang ở giai đoạn mới bắt đầu do sự thiếu hụt về cơ sở hạ tầng sạc điện ở các nước châu Á, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực năng lượng tái tạo trên khắp khu vực này cho thấy sự chuyển đổi đang diễn ra với một tốc độ nhanh dần.
Đức Minh