Hàng loạt cuộc tấn công mới của phiến quân Yemen
Ngày 25/3, lực lượng vũ trang Houthis của Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào trạm phân phối tại Jeddah của Saudi Aramco, công ty dầu mỏ quốc doanh của Ả-rập Xê-út, gây cháy hai bể chứa, may mắn là không có thương vong xảy ra. Cuộc tấn công diễn ra khi Jeddah chuẩn bị tổ chức Giải đua xe công thức một của Ả-rập Xê-út vào Chủ nhật.
Kể từ sau chiến dịch quân sự mà Ả rập Xê-út phát động ở Yemen, lực lượng nổi dậy Houthis của nước này đã tiến hành hàng nghìn vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái xuyên biên giới vào Ả-rập Xê-út. Phiến quân này đã thực hiện 16 cuộc tấn công ở phía nam và ở Jeddah (phía tây) nhằm vào các cơ sở hạ tầng khác nhau, bao gồm một nhà máy điện, một nhà máy nước và các cơ sở dầu khí, liên quân cho biết trong một tuyên bố.
Năm 2019, Houthis đã tiến hành rất nhiều vụ tấn công nhằm vào Saudi Aramco. Các cơ sở ở Abqaiq và Khurais trúng đạn đã khiến một nửa lượng dầu Ả rập Xê út khai thác hàng ngày bị gián đoạn.
Mới đây, vào ngày 20/3, nhóm này đã phá hoại và tấn công khủng bố liều lĩnh nhằm vào cơ sở hạ tầng dân sự của vương quốc này gây ra sự sụt giảm tạm thời về sản lượng tại một nhà máy lọc dầu và hỏa hoạn tại một nhà ga phân phối các sản phẩm xăng dầu.
Vụ tấn công đẩy giá dầu lên sát 120 USD/thùng
Ngày 26/3, giá dầu thế giới tăng nhẹ và tiến sát mốc 120 USD/thùng sau khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công cơ sở dự trữ của Saudi Aramco. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu WTI đã tăng 1,39% lên 113,9 USD/thùng. Như vậy, giá dầu WTI đã tăng hơn 10% so với tuần trước, 21,8% so với tháng trước và 86,8% so với năm ngoái. Tương tự, dù tăng nhẹ 0,48% lên 119,6 USD/thùng, giá dầu Brent cũng đã tăng 10,8% so với tuần trước, 22,08% so với tháng trước và hơn 85% so với năm ngoái, theo số liệu từ Investing.
Giá dầu đã tăng mạnh kể từ Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga trên đất Ukraine ngày 24/2 cùng các biện pháp trừng phạt trả đũa của phương Tây làm gián đoạn nguồn cung toàn cầu. Chính những bất định trong nguồn cung năng lượng từ Nga, Mỹ và phương Tây muốn các nước xuất khẩu dầu mỏ khác gia tăng sản lượng. Trong đó, Ả-rập Xê-út là cái tên đầu tiên được nhắc tới nhờ vai trò hàng đầu của mình trong ngành công nghiệp này.
Tuy nhiên, khi Riyadh còn chưa đồng ý gia tăng sản lượng theo như phương Tây mong muốn (do trung thành với các cam kết của mình với liên minh OPEC+) thì các cuộc tấn công vào kho chứa dầu của Saudi Aramco có thể khiến cơn khát dầu của thế giới trở nên trầm trọng hơn nữa.
Đặng Trà My