“Cải tổ” thị trường Trung Quốc, đa dạng thị trường mới
Về lâu dài, để xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc, Sở Công Thương Bình Thuận sẽ vận động doanh nghiệp chú trọng thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương, liên hệ chủ hàng để đàm phán, chuyển dần sang hình thức xuất khẩu chính ngạch thanh long bằng đường biển.
Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam như: Lotte (Hàn Quốc), Aeon (Nhật Bản), Big C (Thái Lan), v.v. để thông qua đó tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.
Đối với thị trường trong nước, Bình Thuận sẽ thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết trong nước, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm khách hàng, mở thêm các kênh phân phối, trọng tâm là thị trường Hà Nội và các tỉnh lân cận, kế tiếp là thị trường TP. HCM và các tỉnh Duyên hải miền Trung – Tây Nguyên, v.v.
Song song với đó, Bình Thuận đẩy mạnh phát triển sản phẩm thanh long “sạch” bằng sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đảm bảo chất lượng hàng hóa phù hợp với nhu cầu tiêu dùng nội địa và thị trường xuất khẩu.
Mở rộng thị trường Nhật Bản và Ấn Độ
Tháng 10/2021, Nhật Bản đã cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với thanh long Bình Thuận sau hơn 3 năm nộp hồ sơ. Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Bình Thuận, điều này có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường, từ đó có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng cho việc xuất khẩu loại quả này đến các thị trường khác.
Đối với Ấn Độ – thị trường có nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn, đặc biệt là thanh long với mức tăng trưởng 27% hàng năm. Sở Công thương Bình Thuận đã làm việc với Cục Xúc tiến thương mại thống nhất việc phối hợp tổ chức đoàn công tác của tỉnh đi khảo sát thị trường, xúc tiến tiêu thụ thanh long nhằm giúp doanh nghiệp củng cố và phát triển mở rộng thêm thị trường Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên chương trình không thực hiện được và đã chuyển sang hình thức kết nối trực tuyến.
Nhật Bản và Ấn Độ là 2 thị trường tiềm năng còn rất lớn. Vì vậy thời gian tới, Sở Công thương Bình Thuận sẽ phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thông tin kịp thời về tình hình thị trường, các chủ trương, chính sách xuất nhập khẩu mới của Nhật Bản và Ấn Độ để phổ biến đến doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ thanh long lâu dài, góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Phương Anh
Thanh long Việt Nam tìm đường thâm nhập thị trường Ấn Độ