Cú sốc giá nhiên liệu bay gây nguy cơ lỗ trầm trọng
Trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đón nhận cú sốc giá nhiên liệu khi chiến tranh Nga – Ukraine nổ ra. Giá xăng dầu không ngừng tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Hiên tại, Việt Nam đã từ bỏ chiến lược “Zero Covid” để chuyển sang sống chung với dịch, mở cửa bầu trời quốc tế. Các đường bay trong nước và quốc tế dần được nối lại. Cũng chính vì vậy mà ngành hàng không Việt Nam phải chịu nhiều áp lực khi vừa phải đối mặt với thách thức về giá nhiên liệu bay tăng cao và vừa phục hồi hậu Covid-19.
Vào đầu tháng 03/2022, giá dầu đã đạt 130 USD/thùng. Với mức giá này, Vietnam Airlines ước tính chi phí sẽ tăng 5.700 tỷ đồng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, Vietnam Airlines dự đoán nhiều nguy cơ giá nhiên liệu bay Jet A1 sẽ tăng lên mức hơn 160 USD/thùng và giá có thể chạm mức 200 USD/thùng. Nếu điều này xảy ra, Vietnam Airlines phải đối mặt với khoản lỗ lên đến hàng nghìn tỷ USD trong năm 2022.
Không chỉ riêng Vietnam Airlines, hãng hàng không Vietjet Air cho biết chi phí nhiên liệu bay đã chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Thêm vào đó là giá nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng lớn đến biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp này khi giá vé đầu ra sẽ không thể tăng nhanh theo kịp được giá đầu vào tăng.
Đứng trước thách thức của sự leo thang giá nhiên liệu bay, Vietnam Airlines đã đề xuất lên Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ miễn 100% thuế đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022. Bên cạnh đó, để bù đắp bù đắp chi phí nhiên liệu và thu hút phân khúc khách hàng cao cấp, hãng bay này đã đề xuất lên Bộ Giao thông vận tải nâng giá trần vé máy bay.
Để bù đắp chi phí nguyên liệu bay tăng giá, các hãng hàng không có thể tăng giá vé máy bay. Đặc biệt, trong bối cảnh giá nhiên liệu biến động, các hãng có thể triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa nhằm tạo sự linh hoạt trong điều chỉnh giá bán trên cơ sở cân đối cung cầu của thị trường.
Tuy nhiên, đối với phương án tăng giá vé, các hãng sẽ không thể tăng giá quá cao bởi sự cạnh tranh khốc liệt giữa của thị trường hàng không sẽ không cho phép điều đó xảy ra. Hơn nữa, thị trường hàng không vừa phục hồi sau dịch nếu tăng giá vé quá cao sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của toàn ngành.
Các “chiến binh mới” gia nhập đấu trường “trên bầu trời”
Trong vài năm trở lại đây, nhiều hãng hàng không mới đua nhau gia nhập đấu trường hàng không khiến thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Những cái tên có thể kể đến như: Bamboo Airways, Vietravel Airlines và Sun Air.
Đầu tiên là Bamboo Airways, hãng hàng không này chính thức gia nhập thị trường vào năm 2018. Trong năm 2022, đứng trước triển vọng phục hồi của ngành hàng không, Bamboo Airways hướng tới mục tiêu khai thác 80 đường bay nội địa, 40 đường bay quốc tế và chiếm lĩnh 30% thị phần hàng không nội địa.
Một chiến binh mới trong ngành hàng không là Vietravel Airlines dự kiến sẽ tăng số lượng tàu bay từ 3 lên 6 chiếc. Bên cạnh đó, hãng này cũng tích cực mở nhiều đường bay mới đến các thành phố du lịch nổi tiếng của Việt Nam.
Vào ngày 02/03 vừa qua, thị trường hàng không Việt Nam đón thêm một tân binh mới là hãng hàng không Sun Air thuộc SunGroup. Đây là hãng hàng không chung phân khúc hạng sang đầu tiên, cung cấp các dịch vụ bay đẳng cấp được cá nhân và chuyên biệt hóa.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Sun Air cũng đặt mục tiêu trở thành hãng bay private jet cung cấp chuyên cơ toàn cầu với việc sử dụng các loại máy bay tốc độ nhất thế giới nhằm hướng đến vị trí dẫn đầu trong cuộc đua tốc độ trên không, rút ngắn tối đa thời gian mỗi chặng bay.
Huyền Tú
Vietnam Airlines dự định lập hãng bay chở hàng hóa