Thiếu hụt chất bán dẫn và nguyên nhân nhu cầu tăng cao
Mới đây, bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Natixis và là thành viên nghiên cứu cấp cao tại Bruegel, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Brussels đã đưa ra những phân tích về tình trạng của chip bán dẫn. Cụ thể, nguồn cung chip hạn chế khiến giá sản phẩm các thiết bị điện tử tăng cao. Bên cạnh đó là sự gián đoạn trong các hoạt động công nghiệp và an ninh của chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo đó, bà đã đưa ra 02 lý do chính mang tính chu kỳ và cấu trúc khiến nhu cầu về chất bán dẫn tăng mạnh.
Đầu tiên, theo chu kỳ, nhu cầu các sản phẩm điện tử gia tăng mạnh mẽ do có quá nhiều hoạt động sản xuất, giáo dục phải chuyển sang trực tuyến. Hơn nữa, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng chip bán dẫn trên thị trường toàn cầu do việc dự trữ hàng hóa trong thời kỳ đại dịch cũng khiến nhu cầu tăng cao.
Về mặt cấu trúc, khi điện khí hóa phát triển, ngành sản xuất các loại xe điện rất cần tới chất bán dẫn. Hầu hết chúng đều là những loại chip bán dẫn cao cấp chỉ có thể sản xuất tại các cơ sở tiên tiến nhất, điển hình như Đài Loan.
Phản ứng của ngành bán dẫn toàn cầu
Nghe theo “tiếng gọi” từ phía cầu, ngành bán dẫn toàn cầu đã có 02 phản ứng, cụ thể:
Đầu tiên là sự tăng chi tiêu vốn. Điển hình là công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã tăng chi tiêu vốn từ 30 tỷ USD vào năm 2021 lên 44 tỷ USD trong năm 2022 với kỳ vọng nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ.
Thứ hai, chính phủ của một số nền kinh tế lớn đã thực hiện những chương trình chi tiêu khổng lồ nhằm cố gắng tăng sản xuất chip trong nước. Đặc biệt là Trung Quốc đã thành lập hai quỹ lớn liên tiếp nhằm hỗ trợ ngành sản xuất bán dẫn trong nước. Tổng vốn đầu tư của quốc gia này theo kế hoạch rơi vào khoảng 50 tỷ USD.
Công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc, Semiconductor Manufacturing International Co (SMIC), đầu tư trung bình 4 đến 5 tỷ USD trong giai đoạn 2019 – 2021 đối với loại chip thường. Ngoài ra, công ty United Microelectronics có trụ sở tại Đài Loan cũng cho biết sẽ tăng chi tiêu vốn lên 66% vào năm 2022. Nhận thấy thị trường chip bán dẫn đang tiềm năng, Mỹ và EU cũng đưa ra những khoản đầu tư hàng chục tỷ cho ngành công nghiệp này.
Ngoài ra, việc mở rộng các dự án trường xanh hoặc mua lại ra nước ngoài được thực hiện bởi các nhà sản xuất chip hàng đầu đang là một “lối đi” khác trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Cuối cùng, bà Alicia Garcia-Herrero đưa ra nhận định rằng tình trạng thiếu chip sẽ giảm nhẹ vào năm 2022 và tới năm 2023 nguồn cung sẽ dồi dào hơn. Điều này cũng có nghĩa, có thể sẽ xảy ra khủng hoảng cung vượt cầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm sẽ vẫn diễn ra đối với mảng chip công nghệ cao.
Huyền Tú
Samsung: Gã khổng lồ xứ Hàn xây dựng nhà máy chip tại Mỹ với mức đầu tư 17 tỷ USD