Xuất khẩu hàng hóa vào Myanmar gặp khó khăn
Myanmar, đất nước với hơn 60 triệu dân phải nhập khẩu hầu hết các mặt hàng tiêu dùng và công nghiệp. Quả thực, đây là một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại Việt Nam.
Tuy nhiên, kể từ khi Myanmar rơi vào tình trạng khủng hoảng kép là đảo chính và đại dịch Covid-19 thì tình hình thương mại Việt Nam – Myanmar trở nên không mấy khả quan, giá trị xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Myanmar đang có chiều hướng “lao dốc”.
Cụ thể, theo thông tin từ ông Nguyễn Đương Kiên, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam sang Myanmar giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar đạt 321 triệu USD, giảm 41% và giá trị nhập khẩu từ Myanmar vào Việt Nam đạt 318 triệu USD, tăng 77%.
Các khoản đầu tư thương mại vào Myanmar đã giảm đáng kể do các hạn chế về Covid-19 trên toàn quốc và tình hình chính trị phức tạp. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi cũng chính trong hoàn cảnh này, Myanmar lại rơi vào tình trạng khan hiếm ngoại tệ. Điều này đã khiến cho chính phủ nước này đưa ra hàng loạt các các quyết định hạn chế nhập khẩu, kiểm soát nghiêm ngặt với nhiều ngành hàng. Những biến động về kinh tế, tài chính đã khiến chuỗi cung ứng vào thị trường Myanmar bị gián đoạn, đời sống người dân giảm mạnh, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm gia tăng.
Thị trường xuất khẩu Myanmar vẫn rất tiềm năng
Tuy nhiên, nhờ vào việc thực hiện nhiều biện pháp cải cách, mở cửa liên quan đến thương mại và đầu tư nhằm hướng đến một nền kinh tế bền vững mà trong những năm trở lại đây, thị trường Myanmar càng trở nên hấp dẫn, thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tới làm ăn và kinh doanh. Ngoài ra, theo như cam kết trong khối ASEAN, hiện nay hầu hết các mặt hàng xuất khẩu sang Myanmar đều có thuế suất ưu đãi cắt giảm từ 1-5%.
Myanmar là thị trường tiềm năng đối với các nhóm, mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: phương tiện vận tải và phụ tùng, dây điện và dây cáp điện; nguyên phụ liệu dệt may da giày; sản phẩm từ hóa chất, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông v.v.
Bên cạnh đó, theo đánh giá của ông Nguyễn Đương Kiên, Myanmar có nền sản xuất yếu, không có nhiều rào cản về kỹ thuật, đồng thời lối sống và thói quen mua hàng tương đồng với người Việt Nam.
Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam từ lâu đã xâm nhập vào Myanmar, tạo được tên tuổi và có chỗ đứng vững trên thị trường này, nhận được nhiều thiện cảm cả về chất lượng lẫn giá cả. Sẽ có nhiều điều được hứa hẹn khi tình hình Myanmar ổn định, các doanh nghiệp Việt sẽ có nhiều lợi thế để khai thác hiệu quả thị trường này.
Huyền Tú
Biểu tình tại Myanmar khiến cho chuỗi cung ứng nước này bị đảo lộn