Định lượng là gì?
Cụm từ “định lượng” hay “định tính” là 2 phương pháp nghiên cứu khi đứng trước một vấn đề, chúng thường được sử dụng hay nhắc đến trong các nghiên cứu khoa học (bao gồm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội). Về mặt định nghĩa, nghiên cứu định lượng là điều tra thực nghiệm có hệ thống về các hiện tượng quan sát được qua số liệu thống kê, toán học, hoặc kỹ thuật vi tính. Mục tiêu của nghiên cứu định lượng là phát triển và sử dụng các mô hình toán học, lý thuyết hoặc các giả thuyết liên quan tới các hiện tượng. Đây chính là khái niệm xuyên suốt trong bài viết này.
Nhìn từ một bức tranh tổng thể, chuỗi cung ứng được xây dựng từ các mô hình, hay chính công việc kinh doanh cũng vậy. Một ví dụ đơn giản, bất cứ nhà đầu tư nào khi tiến vào thị trường cũng mang theo mục tiêu tìm kiếm và tối đa hóa lợi nhuận, lợi nhuận được coi là kết quả của phương trình mà mọi sinh viên kinh tế năm nhất đều thuộc lòng:
Lợi nhuận = Doanh Thu – Chi Phí
Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để tối đa hóa lợi nhuận? Tăng doanh thu hay giảm chi phí thì sẽ tốt hơn? Đó chính là một ví dụ đơn giản của định lượng.
Nghiên cứu định lượng thường được thực hiện bằng cách sử dụng các phương pháp khoa học, trong đó có thể bao gồm:
- Các mô hình, lý thuyết và các giả thuyết
- Sự phát triển của các công cụ và phương pháp đo lường
- Kiểm nghiệm và thao tác của các biến
- Thu thập số liệu thực nghiệm
- Mô hình hóa và phân tích các dữ liệu
Định lượng có thực sự cần thiết cho việc quản lý chuỗi cung ứng?
Không có sự tối ưu hóa nào mà không có sự đo lường, do đó, chuỗi cung ứng định lượng có mối quan hệ mật thiết với các phép đo – chính như tên gọi của nó. Chúng ta sẽ đi một vòng chuỗi cung ứng để xem xem định lượng có thể làm được gì.
Bắt đầu từ kiến thức nền, chúng ta biết rằng chuỗi cung ứng bao gồm nhiều chủ thể và các công việc khác nhau từ quản lý nhà cung cấp, sản xuất, hệ thống phân phối bán hàng, v.v với vài đầu công việc có thể kể tên như dự báo nhu cầu khách hàng, quản lý hàng tồn kho, vận hành dây chuyền sản xuất, giao hàng,v.v.
Đó là ví dụ của một chuỗi cung ứng giản đơn, nhưng hầu hết chuỗi cung ứng là mạng lưới bởi sự đồ sộ và phức tạp của các liên kết bên trong nó. Một đơn vị sản xuất không chỉ có một nhà cung cấp mà có đến hai, ba hoặc thậm chí là hàng trăm (như Apple tính tới năm 2020 có hơn 200 nhà cung cấp hàng đầu và hàng trăm nhà cung cấp phụ khác), và cũng chính đơn vị sản xuất ấy có hàng trăm nhà phân phối, bán lẻ, hàng ngàn khách hàng. Nhiều khi, khách hàng của chuỗi cung ứng này là nhà cung cấp của chuỗi cung ứng khác. Đó chính là cách chuỗi cung ứng toàn cầu được tạo ra hay lý giải vì sao nền kinh tế thế giới được kết nối mật thiết với nhau đến vậy. Bức tranh toàn cảnh ấy đã minh chứng cho việc có hàng tỷ quyết định trong chuỗi cung ứng được thực hiện mỗi ngày, một quyết định nhỏ cũng là thành tố cấu thành nên kết quả cuối cùng để trả lời câu hỏi: chuỗi cung ứng có tối ưu hay không?
Tối ưu hóa chuỗi cung ứng định lượng, hay ngắn gọn là chuỗi cung ứng định lượng, là một quan điểm rộng về chuỗi cung ứng, nhằm mục đích tận dụng tối đa trí thông minh của con người, đồng thời được tăng cường với khả năng của các nguồn lực máy tính hiện đại. Định lượng không phải là giải pháp cuối cùng cho thách thức trong chuỗi cung ứng mà là cách tiếp cận bổ sung nhằm cải thiện tình hình.
Các khía cạnh định lượng trong chuỗi cung ứng
Quản lý chuỗi cung ứng xoay quanh các vấn đề về hoạch định sản xuất, vận chuyển và lưu trữ sản phẩm. Các quyết định và yếu tố phân tích định lượng được kể tới bao gồm nhưng không giới hạn:
Sản xuất
Nhà hoạch định chuỗi cung ứng cần phải quyết định xem sẽ sản xuất sản phẩm của mình ở đâu và bao nhiêu địa điểm, sản xuất sản phẩm nào với số lượng bao nhiêu, sản xuất như thế nào?
Quyết định đầu tiên về địa điểm, rất quan trọng về mặt chiến lược nhưng cũng vô cùng tốn kém, và phải cân nhắc sao cho hợp lý giữa khoảng cách của nhà cung cấp tới nhà máy và nhà máy tới khách hàng, hay chi phí nhân công của địa điểm sản xuất, chính sách kinh tế vĩ mô tại địa điểm đặt nhà máy, lợi thế và rủi ro của nó. Hiểu một cách đơn giản, địa điểm là quyết định cần ra, tối ưu hóa chi phí là kết quả, các biến trong mô hình là: chi phí nhân công, chính sách kinh tế, khoảng cách tới thị trường mục tiêu và khoảng cách tới nhà cung cấp.
Quyết định về hoạt động vận hành sản xuất sản phẩm được hỗ trợ bởi các hệ thống Quản trị nhu cầu và dự báo (Demand Management & Forecasting), Kế hoạch bán hàng và vận hành (Sales & Operation Planning – S&OP), Lịch trình sản xuất tổng thể (Master Production Scheduling – MPS), Quản trị nhu cầu nguyên vật liệu (Materials Requirement Planning – MRP). Đây được coi như các bảng kế hoạch tính toán kết nối các dữ liệu trong chuỗi cung ứng. Trong kế hoạch S&OP, việc tốt ưu hóa chi phí sản xuất được thể hiện qua hàng loạt các ràng buộc về công nhân, thời gian lao động, số lượng sản phẩm, công suất máy móc, v.v.
Vận chuyển
Chi phí vận chuyển chiếm một tỷ trọng khá đáng kể trong chuỗi cung ứng. Vị trí cơ sở sẽ có tác động đáng kể đến chi phí vận chuyển, nhưng ngay cả khi đã xác định được địa điểm, chi phí vẫn có thể được giảm thiểu bằng cách rút ngắn khoảng cách sản phẩm di chuyển thông qua hệ thống định tuyến tối ưu (optimal routing).
Định tuyến vận chuyển
Phương án vận chuyển được thiết kế sẽ tối ưu hóa cả về mặt thời gian và chi phí, sao cho hoàn tất đơn đặt hàng ở chất lượng tốt nhất. Các nhà vận tải sử dụng công nghệ cho phép tính toán tối ưu việc sắp xếp hàng hóa trong một phương tiện vận chuyển (xe tải, máy bay, v.v.) sao cho tận dụng được hết không gian phương tiện. Sẽ không quá phức tạp nếu hàng hóa của khách hàng có thể chở hết trong một xe tải (FTL – Full Truck Load) và có hàng cả chiều đi chiều về. Nhưng một sự thật rằng hầu như điều này hiếm khi xảy ra, với đơn hàng nhỏ và phải ghép hàng, tận dụng hai chiều chạy xe là một bài toán nan giải với doanh nghiệp. Chính điều này thúc đẩy sự ra đời của các sàn giao dịch vận tải hay sàn giao dịch container rỗng – sử dụng thuật toán kết nối và tối ưu quá trình vận chuyển.
Phương thức vận chuyển
Mỗi phương thức vận tải (tàu thủy, đường sắt, xe tải hay máy bay) có mức độ nhanh chóng và linh hoạt khác nhau. Khi tốc độ và tính linh hoạt tăng lên, chi phí vận chuyển cũng tăng theo. Điều quan trọng là doanh nghiệp tìm ra phương án nào sẽ đem lại được hiệu quả tốt nhất xét trên phương diện thời gian, an toàn và chi phí, phù hợp nhất với yêu cầu lúc đó của doanh nghiệp.
Quản lý kho bãi
Vị trí và số lượng cơ sở
Quyết định này tương tự như quyết định sản xuất, sự khác biệt chính là lưu trữ không làm tăng giá trị cho sản phẩm, vì vậy điều quan trọng là cân bằng giữa chi phí và dịch vụ khách hàng. Các vị trí lưu trữ bổ sung thường làm tăng cả chi phí và dịch vụ khách hàng. Tùy vào chiến lược của doanh nghiệp mà yếu tố này sẽ được xác định, nếu mục tiêu đặt ra của doanh nghiệp là hàng hóa đến tay khách hàng trong 2 giờ (như Tiki) thì việc phân bố kho lưu trữ sẽ rất khác với mục tiêu đến tay khách hàng trong 1 tuần.
Bố trí trong kho
Tùy thuộc vào mục đích kinh doanh của doanh nghiệp để lựa chọn thiết kế trong kho sao cho phù hợp và tối ưu việc xếp hàng. Đôi lúc, vị trí lưu trữ không nhất thiết là kho hàng, có thể bao gồm:
- Lưu trữ tại nhà cung cấp
- Lưu trữ tại cửa hàng bán lẻ
- Lưu trữ tại trung tâm phân phối
- Lưu trữ tại các kho địa phương
- Hoạt động Crossdock
Quản trị dự trữ
Doanh nghiệp cần xác định xem chuẩn bị bao nhiêu hàng hóa là đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong từng giai đoạn nhất định. Doanh nghiệp phải đánh đổi giữa chi phí và mức độ dịch vụ. Giữ nhiều hàng tồn kho hơn sẽ hỗ trợ mức độ dịch vụ cao hơn, do khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng càng cao. Tuy nhiên, giữ nhiều hàng dự trữ đồng nghĩa với việc chi phí lưu trữ cao và cơ hội sản phẩm đó trở nên lỗi thời, hỏng hóc, v.v. càng cao.
Các công thức toán học và xác suất thống kê được áp dụng để xác định chính xác mức dự trữ cần thiết và lượng đặt hàng tối ưu.
Nền tảng cơ sở để tiếp cận tốt hơn với quản lý chuỗi cung ứng
Để hiểu được bức tranh tổng thể hay thực hiện tốt công việc trong một mảng của chuỗi cung ứng, một số môn học nền tảng được nêu ra dưới đây có thể là cách tạo cho người mới bắt đầu một cơ sở vững chắc để tiếp cận. Hệ thống bao gồm:
- Quản trị cơ sở dữ liệu
- Xác suất thống kê
- Hồi quy
- Tối ưu hóa
- Các thuật toán
Ở những bước đầu tiên, trong khía cạnh quản lý chuỗi cung ứng, chưa đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu quá sâu những môn học nói trên, nhưng việc nắm bắt được một lượng kiến thức nhất định xử lý được thông tin và áp dụng trong chuỗi cung ứng là điều vô cùng cần thiết.
Cùng tiếp bước với sự phát triển của xã hội và sự lên ngôi của Big data, chuỗi cung ứng cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi.
Nhật Huyền