Cuộc khủng hoảng kéo dài
Tình trạng tắc nghẽn tàu container ở ngoài khơi bờ biển phía Đông và phía Tây của Hoa Kỳ vẫn kéo dài trong nhiều tháng qua. Các tàu container từ Trung Quốc và các cảng châu Á khác đang xếp hàng dài 40 dặm ngoài khơi bờ biển phía Tây, chờ cập cảng.
Theo eeSea, tại bờ biển phía Tây, cụ thể, cảng Los Angeles và Long Beach hiện có đến hơn 60 tàu container đang neo đậu ngoài khơi trong suốt gần 3 tháng nay. Trung bình mỗi tàu hiện đang chứa khoảng 14.000 container, tương đương 100.000 USD. Không chỉ tại bờ biển phía Tây, những vấn đề tương tự cũng xảy ra ở bờ biển phía Đông ngoài khơi New York và Georgia.
Theo Chỉ số tổng hợp World Container Index của Drewry, công ty nghiên cứu hàng hải và tư vấn hàng đầu thế giới, giá cước vận chuyển từ Thượng Hải đến Los Angeles đã giảm 8% tương đương 999 USD, xuống mức 11.173 USD. Trong khi đó, giá cước từ Thượng Hải đến New York giảm 739 USD (tương đương 5%), chỉ còn 15,110 USD cho mỗi container 40feet. Giá cước vận tải đến Mỹ đã giảm, tuy nhiên, các vấn đề hậu dịch bệnh vẫn còn là cản trở đối với sự lưu thông hàng hóa trong toàn chuỗi.
Những thách thức cần vượt qua
Cuộc khủng hoảng tàu Container tại Mỹ, cùng các vấn đề về tắc nghẽn các cảng châu Á vừa qua là biểu hiện của một chuỗi cung ứng kém bền vững và chưa thể phục hồi ngay sau thời gian dài vì dịch bệnh.
Nhu cầu tăng cao nhưng năng lực chưa thể đáp ứng
Mặc dù, các hạn chế về giãn cách đã bắt đầu được dỡ bỏ, khiến nhu cầu sản xuất, tiêu dùng hồi phục trở lại và doanh số bán hàng tăng lên liên tục. Nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang phải vật lộn trong việc đảm bảo nguồn cung, đặc biệt là cho thị trường Hoa Kỳ.
Lượng hàng hóa nhập khẩu từ châu Á vào Mỹ trong tháng 8/2021 tăng trung bình khoảng 26% mỗi tuần, tương đương khoảng 44% – 60% so với cùng kỳ năm 2020, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở thị trường này.
Trong khi đó, năng lực bốc dỡ và cơ sở hạ tầng của các cảng vẫn còn nhiều hạn chế và không thể đáp ứng được lượng lớn tàu container cùng đổ về, dẫn đến việc tắc nghẽn dài ở ngoài khơi.
“Đại dịch Covid-19 cho thấy một thực trạng là các cảng biển đang rất cần được đầu tư. Toàn bộ hệ thống hạ tầng của cảng biển đã bị quá tải trong năm qua”, ông John Manners-Bell, CEO của công ty tư vấn Transport Intelligence, nói.
Sự phụ thuộc quá lớn vào nước ngoài
Tình trạng khan hiếm chất bán dẫn vừa qua làm nổi rõ những rủi ro của việc tập trung các cơ sở sản xuất của thế giới vào một số nơi, chủ yếu là ở Đài Loan, Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhiều nhà sản xuất ô tô và công nghệ cao tại Mỹ cần lượng lớn chip và chất bán dẫn từ các quốc gia châu Á. Mặc dù vậy, gián đoạn tuyến vận tải sang châu Mỹ do một số cảng châu Á phải đóng cửa cũng khiến lưu lượng tàu bị dồn ứ gây tắc nghẽn khi cập cảng. Điều này cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc đóng cửa sản xuất một số nhà máy tại quốc gia này. Hiện nay, Mỹ đã và đang xây dựng một số nhà máy chất bán dẫn cho riêng mình để hạn chế sự phụ thuộc quá lớn vào những nhà cung ứng nước ngoài.
Yêu cầu về khả năng điều phối và dự báo
Ngoài ra, khủng hoảng tàu container tại Mỹ cùng tình trạng đóng cửa một số cảng lớn ở châu Á cũng khiến cho lưu lượng hàng hóa không đồng đều, chênh lệch rất lớn trong và sau thời gian cảng dừng hoạt động. Việc này kết hợp với nhu cầu tại thị trường Mỹ thời gian này tăng đột biến đã khiến số lượng tàu container từ châu Á vận chuyển sang Mỹ quá tải, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn kéo dài, gây tổn thất rất lớn cho toàn bộ các chủ thể trong chuỗi cung ứng. Điều này đặt ra yêu cầu về khả năng điều phối và dự báo nhu cầu để dự trữ hàng tồn kho nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong mọi thời điểm, một vấn đề rất khó khăn trong thời gian dịch bệnh như hiện nay.
Thanh Thảo
ĐỌC THÊM:
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu tồi tệ đến thế nào?