Khó khăn từ khâu sản xuất
Là một loại hàng hóa có tính mùa vụ cao thường chỉ xuất hiện chủ yếu trong khoảng từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 8 m lịch, cộng với việc năm nay khoảng thời gian này lại rơi vào lúc nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội nên hoạt động sản xuất bánh trung thu gặp nhiều khó khăn.
Đầu tiên phải kể đến là công tác dự báo nhu cầu khách hàng khi nhu cầu chính hiện nay của người tiêu dùng chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu của gia đình. Bên cạnh đó, nguồn thu nhập của nhiều gia đình bị giảm do phải thực hiện chính sách làm việc tại nhà đã khiến chiếc bánh trung thu đã vô tình trở thành món hàng xa xỉ đối với nhiều người, nhất là những người làm nghề tự do trong giai đoạn này. Nhiều chủ hàng khá e ngại trong việc sản xuất với số lượng lớn, một số cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội cho biết, năm nay họ chỉ dám sản xuất bằng 20% sản lượng so với mọi năm.
Thứ hai, nguồn nguyên vật liệu sản xuất bị hạn chế do nguồn cung không được đảm bảo để nhường chỗ cho các mặt hàng thiết yếu. Những khó khăn trong vận chuyển ở thời gian giãn cách đã đẩy giá thành lên khoảng 20%, người dân muốn mua phải chấp nhận mức giá cao.
Thứ ba, nguồn lao động tại chỗ bị cắt giảm do người lao động không có giấy đi đường hoặc đã về quê vào đầu mùa dịch khiến các cơ sở sản xuất rơi vào tình trạng muốn sản xuất nhiều cũng không được vì thiếu nhân công.
Đầu ra có dấu hiệu khả quan
Tại Hà Nội, vào đầu tháng 8 m lịch tại một số tuyến phố như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt hay Thụy Khuê vốn tấp nập trong dịp Tết Trung thu thì chỉ có một cửa hàng bán bánh trung thu của Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội.
Trong vài ngày gần đây, tình hình dịch bệnh dần trở nên khả quan hơn, một số cửa hàng đã bắt đầu mở cửa trở lại. Vào hôm 19/9, hàng trăm người xếp hàng nối nhau chờ mua bánh trung thu tại trường tiểu học Chu Văn An (đường Thụy Khuê, quận Tây Hồ). Do lượng người tập trung cùng lúc quá đông và không đảm bảo giãn cách buộc cơ quan chức năng phải bố trí lực lượng để điều tiết, nhắc nhở. Để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng phối hợp với các cơ sở kinh doanh dựng hàng rào để người dân xếp hàng chờ lấy số theo thứ tự.
Tình trạng đông đúc cũng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh khi rất đông người dân xếp hàng chờ mua bánh trung thu. Tại cửa hàng Như Lan trên đường Hai Bà Trưng (Quận 3), cảnh mua bán cũng diễn ra tấp nập. Tại đây có nhiều cán bộ của phường theo dõi, nhắc nhở khách mua hàng giữ khoảng cách an toàn. Nhân viên chuyển hàng tới đặt vào rổ phía trước cửa hàng để khách nhận, hạn chế tiếp xúc gần.
Kênh bán hàng trực tuyến lên ngôi
Để đáp ứng thỏa mãn nhu cầu người dân, các thương hiệu bánh Trung thu lựa chọn phương án bán hàng online, đưa hàng trực tiếp đến tận tay người tiêu dùng nhằm hỗ trợ khách hàng tốt nhất trong việc mua hàng và tiếp cận với sản phẩm.
Các công ty sản xuất bánh kẹo truyền thống lâu năm quen thuộc với người tiêu dùng như: Kinh Đô, Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các trang giao dịch thương mại điện tử với đa dạng chủng loại, giá cả từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn cho một chiếc. Nhiều cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống cũng bắt đầu chuyển sang các kênh bán hàng online qua Facebook, Zalo, v.v. với dịch vụ vận chuyển tận nhà.
Để hỗ trợ, đồng hành cùng người tiêu dùng trong mùa dịch, hầu hết các sản phẩm bánh Trung thu của Hải Hà đều duy trì giá bình ổn, mặc dù nguồn nguyên liệu đầu vào tăng đáng kể. Cụ thể, mức giá bánh trung bình dao động từ 50.000 – 80.000 đồng/chiếc; các dòng bánh cao cấp dao động từ 300.000 – 750.000 đồng/chiếc. Nhiều doanh nghiệp tung ra các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động từ 150.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng. Nhìn chung, mức giá bánh Trung thu 2021 khá hợp lý, đa dạng với nhiều combo lựa chọn.
Minh Đức