Chuỗi cung ứng nhân đạo là gì?
Trong những thập niên gần đây, cụm từ như “thảm họa thiên nhiên” hay “đại dịch” ngày càng được nhắc đến nhiều hơn, như một bằng chứng đầy thuyết phục chứng minh rằng con người đang phải trả giá nặng nề. Những thảm họa khốc liệt này đang ngày càng nguy hiểm hơn bao giờ hết, vượt ngoài tầm kiểm soát của các địa phương, đe dọa tính mạng của con người. Trước bối cảnh đó, chuỗi cung ứng nhân đạo đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và hỗ trợ những công dân bị ảnh hưởng.
Vậy chuỗi cung ứng nhân đạo là gì? Vào năm 2005, Thomas and Kopczak đã đưa ra một khái niệm rất đầy đủ về logistics nhân đạo “Logistics nhân đạo là chuỗi quá trình lên kế hoạch, thực thi và kiểm soát một cách hiệu quả về dòng hàng hóa và dòng thông tin từ nơi bắt đầu đến nơi tiêu thụ cuối cùng, nhằm mục đích làm giảm đi đau thương, mất mát của những công dân bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ và dịch bệnh”.
Do đó, cung cấp viện trợ và giảm thiểu sự khó khăn, đau khổ nhiều nhất có thể cho những người dễ bị tổn thương là yếu tố cốt lõi của quản lý chuỗi cung ứng nhân đạo.
Không xác định, không thể lường trước và không chắc chắn
Cung cấp “sản phẩm phù hợp” với “số lượng đủ” đến với “đúng đối tượng” vào “đúng thời điểm” là mục đích của cả chuỗi cung ứng nhân đạo và thương mại. Tuy nhiên, so với chuỗi cung ứng thương mại, để đạt được mục tiêu cao cả đó, chuỗi cung ứng nhân đạo phải đối mặt với nhiều thách thức và những sự kiện không biết trước hơn.
Trước hết, hãy xem xét về yếu tố nguồn cung cấp. Các vật phẩm cứu trợ bao gồm các đồ dùng thiết yếu, nhân sự hỗ trợ hoặc tình nguyện viên và thiết bị hỗ trợ vận chuyển và xây dựng, .v.v là một trong những đầu vào chính trong chuỗi cung ứng nhân đạo. Trong đó, yếu tố làm nên thách thức của nguồn cung chính là những nhà cung cấp, họ là các nhà cứu trợ. Mạng lưới các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng nhân đạo rất rộng và phức tạp với sự tham gia của nhiều người, từ các nhà tài trợ cá nhân, các tổ chức phi chính phủ, chính phủ và quân đội. Con số của đội ngũ này có xu hướng biến động mạnh, do đó, quản lý các nhà cung cấp thực sự là một thách thức. Hơn nữa, nhiều hoạt động từ thiện không phù hợp và mang tính bộc phát, thường là các nhà tài trợ riêng lẻ, gây ra tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, gây khó khăn và tốn kém cho hoạt động vận chuyển cũng như lưu kho.
Tiếp đến, các yếu tố về cầu. Với logistics nhân đạo, nhu cầu của người tiêu dùng cuối cùng thường rất khó dự đoán. Bởi nhu cầu thay đổi và biến động theo từng loại thiên tai và từng giai đoạn khác nhau. Do đó, kế hoạch nhu cầu thường rất khó để xây dựng, trong bối cảnh quy mô và thời gian của nhu cầu luôn luôn biến động. Bên cạnh đó, việc dự báo nhu cầu cũng rất khó khăn, do sự thiếu hụt các cơ sở dữ liệu quá khứ. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn đã có một kho dữ liệu khổng lồ, thì hoạt động dự báo dường như cũng rất trắc trở vì độ tin cậy của dữ liệu. Hoạt động thu thập dữ liệu trong các sự kiện thiên tai thường không nhất quán và đầy đủ. Do đó, các dữ liệu về cầu trong logistics nhân đạo dường như không có một chút lợi ích nào trong hoạt động dự báo, lập kế hoạch cho các sự kiện bất ngờ tiếp theo.
Mặc khác, như chúng ta đã biết, chuỗi cung ứng có nhiệm vụ kết nối các nguồn cung ứng với người có nhu cầu. Tuy nhiên, những đặc điểm có 1 không 2 của yếu tố cung và cầu đang khiến cho hoạt động điều phối và quản lý trong chuỗi cung ứng nhân đạo thực sự trở là một vấn đề nan giải. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng nhân đạo còn bị tác động bởi nhiều khó khăn khác như thiếu nguồn lực, cơ sở hạ tầng yếu kém và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ của các nhà tài trợ.
Tóm lại, mục tiêu của chuỗi cung ứng nhân đạo là tập trung vào việc cứu mạng sống của con người và ứng phó với thảm họa và tình huống khẩn cấp, do đó nó luôn giải quyết các vấn đề trong môi trường hỗn loạn, không chắc chắn và vô cùng phức tạp.
Logistics nhân đạo trong đại dịch
Như chúng ta đã biết, các tổ chức nhân đạo luôn hoạt động trong những môi trường đặc biệt phức tạp. Và hoạt động logistics nhân đạo trong đại dịch hoàn toàn khác với những gì mà logistics nhân đạo phải ứng phó trước các thảm họa thiên nhiên. Trong đại dịch, nhiều biện pháp như giãn cách xã hội hay tự cách ly đang được nhiều quốc gia áp dụng rộng rãi để làm chậm đà lây lan dịch bệnh. Các hàng quán, nhà hàng phải đóng cửa để giảm thiểu sự tiếp xúc. Dù vậy, nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người dân vẫn luôn hiện hữu, mọi lúc mọi nơi, và yêu cầu phải được đáp ứng. Với sự gia tăng mạnh trong nhu cầu, các chuỗi cung ứng thương mại hay tư nhân đều không thể đảm bảo sự vận hành thông suốt của cả chuỗi, mà cần có sự giúp sức của chính quyền địa phương, của các nhà hỗ trợ. Do đó, chúng ta có thể nhận thấy sự khác biệt rõ của logistics nhân đạo trong các thảm họa thiên tai và trong đại dịch. Trong khi nhu cầu trong các thảm họa thường là ngay lập tức và cần đáp ứng ngay, thì đại dịch đòi hỏi nguồn cung ứng nhân đạo ổn định và kéo dài trong suốt vài tuần hoặc vài tháng.
Đối mặt với sự kiện “thiên nga đen” như đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng nhân đạo toàn cầu đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hãy xem xét hoạt động chuẩn bị, một trong những quy trình quan trọng trong chuỗi cung ứng nhân đạo. Trong chuỗi cung ứng nhân đạo, các mặt hàng cứu trợ luôn được dự trữ tại nhiều địa điểm chiến lược trên toàn thế giới để sẵn sàng ứng phó với những tình huống khẩn cấp. Thế nhưng trong đại dịch Covid -19, sự chuẩn bị này cũng không giúp cho các nhà quản lý có thể vận hành trơn tru. Nhu cầu tăng đột biến cho các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu trên toàn cầu vượt xa khả năng đáp ứng của lượng hàng dự trữ. Do đó, đại dịch đang chứng minh hoạt động chuẩn bị của logistics nhân đạo là chưa đủ đáp ứng và thiếu tính quy chuẩn giữa nhiều khu vực trên thế giới.
Giao hàng tận nhà – Bảo vệ những người yếu thế
Như chúng ta đã biết, thực phẩm thường đến tay người dân qua nhiều kênh khác nhau, trong đó hoạt động phân phối truyền thống thông qua các cửa hàng tạp hóa hay các cửa hàng tiện lợi thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, các biện pháp giãn cách đang khiến cho hoạt động mua sắm trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với những người yếu thế. Do đó, mô hình giao hàng tận nhà đang được ứng dụng rộng rãi, thay vì mô hình phân phối tập trung như chúng ta thường thấy trong các sự kiện thiên tai.
Phương pháp này giúp đảm bảo những người yếu thế, những người không có việc làm hoặc đói kém, có thể sống an toàn qua đại dịch. Mô hình giao hàng tận nhà này yêu cầu thiết lập nhiều điểm phân phối gần các khu dân cư bị ảnh hưởng. Với mật độ dân cư dày đặc, các nhà quản lý chuỗi cung ứng nhân đạo luôn gặp các vấn đề rắc rối về việc hoạch định tuyến đường để tiết kiệm thời gian và công suất. Bên cạnh đó, việc quản lý và vận hành đội xe cũng tốn rất nhiều công suất, khi nhiều loại xe với các kích thước và sức chứa khác nhau được huy động để hỗ trợ.
Làn sóng dịch bệnh lần thứ tư của Việt Nam bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh, nơi có dân số đông nhất cả nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang chứng kiến tốc độ gia tăng nhanh chóng của các ca dương tính, buộc thành phố phải thực hiện nhiều biện pháp giãn cách ở mức cao. Tuy nhiên, việc đóng cửa và giãn cách đột ngột đang đe dọa đến cuộc sống của nhiều công nhân, người đi bán hàng rong vì sự đói nghèo, khi họ không thể ra ngoài làm việc.
Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh đang nhận sự chung tay, san sẻ nỗi đau của đồng bào cả nước. Hàng trăm các xe tải mang theo các thực phẩm thiết yếu và tình cảm yêu thương của người dân các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã đồng loạt đổ về TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, các đồ dùng thiết yếu này sẽ được phân phối, phân chia đến từng hộ gia đình trong các khu phong tỏa. Với số lượng các hộ dân cư cần đáp ứng, hoạt động giao hàng chặng cuối hay phân phối tại đây đã gặp áp lực rất lớn, khi phải đảm bảo giao đúng số lượng, đúng mặt hàng vào thời điểm cần thiết, đến đúng người. Bên cạnh đó, các đội logistics nhân đạo ở TP. Hồ Chí Minh còn có nhiệm vụ phân phát các suất ăn hằng ngày đến cho các công an, tình nguyện viên làm việc tại các chốt kiểm soát.
Mặc dù đầy khó khăn và thử thách, nhưng với sự góp sức đội ngũ này nhiều người dân lao động, những hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp sức kịp thời.
Huyền Trân
Đọc thêm:
Hoạt động quản trị chuỗi cung ứng của Uniqlo