Thương mại giữa Trung Quốc và các nền kinh tế có liên quan tới sáng kiến “Vành đai, con đường” (One Belt, One Road – OBOR)
Dự án xuyên lục địa OBOR đã thúc đẩy sự hợp tác có lợi cho đôi bên và đem lại nhiều cơ hội phát triển đối với các nước tham gia, thể hiện rõ qua tỷ lệ tăng trưởng trong dòng chảy thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các nền kinh tế khác trong 07 năm kể từ khi sáng kiến OBOR bắt đầu được thực thi.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong 3 quý vừa qua, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia OBOR đã tăng lên 1.5%, tới mốc 1,01 nghìn tỷ đô. Đặc biệt, kim ngạch với Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt tăng trưởng 18,5% và 17,1%; trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng trong hoạt động thương mại của Ba Lan và Thái Lan với Trung Quốc cũng đạt mức 13% và 10,9%.
Một trong những yếu tố tác động tích cực đến hoạt động ngoại thương giữa các quốc gia tham gia vào sáng kiến OBOR là sự phát triển của tuyến đường sắt chở hàng kết nối Trung Quốc và châu Âu. Theo số liệu cung cấp bởi Tập đoàn đường sắt quốc gia Trung Quốc, ngay cả khi đại dịch Covid-19 gây ra nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế toàn cầu, chỉ trong 06 tháng đầu năm 2020 đã có hơn 5120 chuyến tàu hỏa chuyên chở hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2019. Dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường này đã vận hành tất cả 30.000 chuyến tàu kể từ khi được thành lập.
Tính đến thời điểm cuối năm 2019, tổng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Trung Quốc cho các quốc gia trong sáng kiến OBOR đã đạt đến 179,47 tỷ đô, tương đương 8.2% tổng ODI của Trung Quốc. Khoản đầu tư ODI phi tài chính vào các nền kinh tế OBOR trong 9 tháng năm nay thậm chí còn tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 13 tỷ đô, theo thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Ông Bai Minh, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường quốc tế, Học viện hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc chia sẻ việc tăng trưởng trong thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc và các quốc gia thuộc dự án OBOR là hoàn toàn đoán trước được vì việc hợp tác đẩy mạnh sáng kiến OBOR đều đem lại lợi ích to lớn cho các bên tham gia. Thông qua OBOR, các quốc gia và vùng miền có thể phát huy những tiềm năng của mình nhờ vào việc khai thác cơ hội, lợi ích, tối ưu hóa điểm mạnh và cải thiện những điểm thiếu sót thông qua hợp tác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, khung pháp lý của OBOR cũng đưa ra nhiều nền tảng đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của tất cả quốc gia và vùng miền tham gia vào dự án, tiêu biểu như những hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Trung Quốc ký kết với các nước. Theo báo cáo của CAITEC, Trung Quốc đã ký kết 17 FTA với 25 quốc gia trước năm 2020, và hiện có 12 FTA đang trong quá trình đàm phán. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tham gia vào 200 thỏa thuận hợp tác với 138 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng 30 tổ chức quốc tế liên quan đến sáng kiến Vành đai, con đường.
Ở thời điểm hiện tại, dự án OBOR không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, mà còn tham gia tích cực vào lĩnh vực năng lượng, đường ống dẫn dầu/gas, viễn thông và các hạ tầng xã hội như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phần mềm và phát triển đổi mới.
Zhang Jianping, Tổng giám đốc Trung tâm hợp tác kinh tế khu vực của Trung Quốc (China Center for Regional Economic Cooperation) cho rằng nỗ lực của Trung Quốc trong việc đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do, hiệp định tránh đánh thuế hai lần và nhiều hiệp định đầu tư đa phương/song phương, thỏa thuận về công nghệ thông tin, và các chính sách thiết lập mạng lưới khu vực thương mại tự do… đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động thương mại và đầu tư với những nền kinh tế tham gia vào sáng kiến Vành đai, con đường. Vì vậy, các quốc gia đều được lợi rất lớn từ dự án đầy tham vọng này.
Biên dịch: Dandelion