Tại Malaysia, lệnh phong tỏa trên toàn quốc đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều lĩnh vực bao gồm ô tô, chất bán dẫn và thiết bị y tế.
Theo một báo cáo của Everstream Analytics – công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng về khả năng hiển thị chuỗi cung ứng (Supply Chain Visibility) cho biết hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Selangor và Kuala Lumpur – hành lang công nghiệp dẫn vào Cảng Klang với các nhà máy buộc phải giảm hoặc đóng cửa hoạt động để tuân thủ các biện pháp phòng dịch mới.
Báo cáo cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế đã đưa ra các giới hạn về sự cho phép hoạt động của một số ngành, trong số 18 loại ngành có 13 ngành được phép hoạt động với 60% lực lượng lao động và 5 ngành chỉ có thể hoạt động ở 10%. Điều này dự kiến sẽ là những thách thức đáng kể cho việc sản xuất chất bán dẫn, khi nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu đang bị thiếu hụt. Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Malaysia, ảnh hưởng của Covid-19 có khả năng làm giảm sản lượng từ 85% xuống còn 60%.
Everstream nói thêm: “Các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu dựa vào các nhà sản xuất và nhà cung cấp đặt tại Selangor và Kuala Lumpur dự kiến sẽ phải đối mặt với những tác động đáng kể đến năng lực cung ứng và thời gian giao hàng khi Malaysia đang phải vật lộn để kiểm soát dịch bệnh và việc tồn đọng đơn đặt hàng có thể tiếp tục kéo dài trong những tháng tới.”
Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Thái Lan. Theo Hội đồng Chủ hàng Quốc gia Thái Lan (TNSC), xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng 10% trong năm nay, nhưng tập đoàn này lo ngại việc sản xuất sẽ bị gián đoạn trong mùa hè nếu việc phân phối vắc xin không được triển khai nhanh chóng.
Chủ tịch TNSC Chaichan Chareonsuk cho biết “mặc dù dịch bệnh trong nước vẫn đang bùng phát nghiêm trọng, khiến một số nhà máy phải tạm ngừng sản xuất và hoãn vận chuyển hàng hóa đến các nước, nhưng chúng tôi kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu sẽ không bị ảnh hưởng nhiều trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu container và chi phí vận chuyển hàng hóa cao vẫn gây rủi ro cho các nhà xuất khẩu.”
Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy định mới đối với các nhà máy sản xuất đang đặt ra những thách thức đối với chuỗi cung ứng trong và xung quanh Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể vào ngày 14/7 vừa qua, các doanh nghiệp ở TP.HCM được nhận thông báo họ sẽ phải buộc đóng cửa nhà máy. Doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động trong trường hợp nếu họ có thể cung cấp chỗ ở và thức ăn cho nhân viên tại công ty. Do đó, một công ty sản xuất giày dép của Đài Loan với 56.000 nhân viên đã bị ngưng hoạt động trong 10 ngày do không đáp ứng đủ yêu cầu.
Riêng tại tỉnh Đồng Nai, một hãng giày Hàn Quốc và cũng là nhà cung cấp cho Nike, đã đóng cửa 3 nhà máy do dịch Covid bùng phát.
Julien Brun, đối tác quản lý tại công ty tư vấn chuỗi cung ứng CEL cho biết, hầu hết các nhà máy đều hoạt động dưới công suất tiêu chuẩn từ 5% đến 70%, tùy thuộc vào ngành và địa điểm. Bên cạnh đó, nhu cầu xuất khẩu từ phía Tây và khu vực Châu Á Thái Bình Dương có dấu hiệu tăng lên và có nhiều cơ hội kinh doanh nhưng mối quan tâm chính vẫn ở phía nguồn cung – làm thế nào để nguồn cung đáp ứng kịp nhu cầu xuất khẩu.
Hồng Đào
Đọc thêm: TP.HCM thực hiện giãn cách, hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan thế nào?