Trung Quốc – đối thủ đáng gờm lại dày dặn kinh nghiệm
Những lo ngại về cạn kiệt nguồn tài nguyên hay giá xăng biến động hiện nay đã và đang khiến cho pin xe điện trở thành một mặt hàng hấp dẫn quốc gia nào cũng muốn khai thác và sản xuất. Tuy nhiên, các quốc gia có thể gặp trở ngại lớn khi Trung Quốc, nhà sản xuất pin EV lớn nhất thế giới, đang nỗ lực “bành trướng” vị trí của mình trên chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu.
Giải thích cho điều này, trước hết, chỉ Trung Quốc mới có thể chiết xuất lithium trực tiếp từ nguyên liệu thô và xử lý thành pin hoàn chỉnh mà không cần qua các khâu trung gian – điều mà ngay cả một số nước có nguồn cung lithium lớn chưa chắc đã thực hiện được. Nhờ vậy, Trung Quốc chiếm được 80% thị trường pin lithium-ion toàn cầu, đồng thời sở hữu hơn một nửa số nhà máy sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới. Hàng trăm nhà máy khổng lồ trên cả nước sản xuất hàng triệu pin EV cho thị trường trong nước và các nhà sản xuất ô tô điện nước ngoài như BMW, Volkswagen và Tesla.
Tất nhiên, Trung Quốc không chỉ tham vọng duy trì sự thống trị ở khâu sản xuất mà còn muốn “chiếm đóng” các khu vực có mỏ quặng lithium lớn nhằm nắm quyền kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng pin EV. Để hiện thực hóa mong muốn đó, một số công ty tinh chế lithium lớn ở Trung Quốc như Tianqi hay Gangfeng đang nỗ lực thâm nhập vào khu vực “tam giác lithium” của Nam Mỹ thông qua các thỏa thuận ưu đãi hấp dẫn.
Cũng bằng phương pháp này, Trung Quốc đã thành công tìm cho mình nguồn cung cho các thành phần khác của pin xe điện. Ngoài lithium, Trung Quốc đã kiểm soát 70% ngành khai thác mỏ ở Congo, nơi sản xuất gần như toàn bộ cobalt của thế giới.
Có thể thấy rõ, việc Trung Quốc nhúng sâu vào chuỗi cung ứng pin EV đã làm dấy lên mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị sẽ diễn ra với lithium. Ít nhất, trong thời kỳ ngắn hạn, Trung Quốc có thể trở thành “phiên bản thứ hai” của Nga sử dụng sự thống trị để cắt nguồn cung cấp cho pin xe điện. Trong bối cảnh nhu cầu về pin xe điện vẫn liên tục đạt kỷ lục, viễn cảnh trên có thể tạo ra cuộc khủng hoảng nguồn cung tiếp theo, là “cơn ác mộng” với một số quốc gia lớn như Mỹ và các nước phương Tây.
Những “vận động viên” mới gia nhập vào cuộc đua
Trung Quốc có thể chiếm ưu thế, nhưng cũng không có nghĩa độc quyền toàn bộ các khâu sản xuất pin xe điện. Trên thực tế, vẫn có sự tham gia nhỏ lẻ của nhiều nước khác nhau trong chuỗi cung ứng pin xe điện toàn cầu.
Trong số các quốc gia này, Úc có khả năng cạnh tranh lớn nhất nhờ lợi thế lớn về trữ lượng khổng lồ – chiếm 50% trữ lượng lithium trên toàn thế giới. Theo thông tin mới nhất, công ty khởi nghiệp Recharge Industries Pty có trụ sở tại Úc đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy chế tạo pin Li-ion mà không cần tới nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và hạn chế các nguyên liệu thô có ảnh hưởng xấu tới môi trường.
Về phía Hoa Kỳ, quốc gia này hiện đang cố gắng đưa ra các biện pháp với hy vọng giảm bớt sự phụ thuộc vào lithium từ Trung Quốc. Sẽ có 13 nhà máy mới ở Mỹ vào năm 2025, thêm 35 nhà máy nữa ở châu Âu vào năm 2035. Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố kế hoạch sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để tài trợ cho việc khai thác lithium trong nước và các vật liệu pin quan trọng khác dưới sự bảo trợ của an ninh quốc gia.
Liên minh châu Âu cũng đang ban hành luật pháp nhằm tạo ra chuỗi cung ứng pin xanh ở châu Âu, tập trung vào tái chế lithium thay vì nhập thêm lithium mới.
“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông” – Động thái của Mỹ và các nước phương Tây có lẽ là “bài học xương máu” rút ra sau chiến tranh Nga-Ukraine, khi chính sự phụ thuộc vào nguồn dầu từ Nga đã để lại cho các quốc gia này không ít “trái đắng” như một lời cảnh báo các quốc gia phải nắm bắt tình hình và chuẩn bị kỹ càng hơn cho cuộc đua mới.
“Vận động viên” nào sẽ sớm chạm vạch đích?
Đây rõ ràng không phải một câu hỏi dễ để trả lời. Xét trong thời kỳ dài hạn, các nước Bắc Mỹ và châu Âu vẫn có cơ hội bắt kịp và cạnh tranh với Trung Quốc kể cả khi chuỗi cung ứng pin xe điện ở phía Tây bị ngắt. Hơn nữa, một số quốc gia, điển hình là Úc, hoàn toàn có thể rút ngắn khoảng cách với Trung Quốc nếu biết cách “câu giờ” cho chính mình. Với nguồn tài nguyên dồi dào, các nước này có thể hạn chế xuất khẩu sang cho Trung Quốc các khoáng sản cần thiết và đầu tư nhiều hơn vào việc sản xuất pin xe điện cho thị trường trong nước. Biện pháp này được kỳ vọng sẽ đem lại sự bình đẳng cho các nước cũng như giảm thiểu tình trạng quá phụ thuộc và tập trung vào một nước duy nhất, mà ở đây, chính là Trung Quốc.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách khách quan hơn, biện pháp trên chỉ là tạm thời. Thậm chí, nó có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng chính trị – xã hội ở các quốc gia liên quan. Thêm vào đó, phải công nhận rằng Trung Quốc đã có tầm nhìn xa khi quyết định tham gia sâu vào chuỗi cung ứng từ trước đó rất lâu. Kể cả khi đã vượt xa đối thủ, Trung Quốc vẫn tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng cho chặng nước rút. Điều này cũng có nghĩa, khả năng Trung Quốc thâu tóm được toàn bộ chuỗi cung ứng pin xe điện là rất cao, và cơ hội cho các quốc gia khác lại vô cùng mong manh. Chúng ta chỉ có thể mong chờ một phép màu xảy đến, và khi ấy, hy vọng rằng “con ngựa sắt chạy bằng điện” sẽ không chỉ dừng chân tại Trung Quốc mà còn được chu du khắp nơi vòng quanh thế giới.
Triệu Thiện