Nguồn cung cấp nước cho kênh đào Panama
Khoảng 6% tổng lưu lượng hàng hóa toàn cầu đi qua kênh đào Panama, chủ yếu là từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, biến nó thành một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới. Vào năm 2022, ước tính hơn 14.000 tàu với 518 triệu tấn hàng hóa đã đi qua tuyến đường thủy này, đóng góp 2,5 tỷ đô la cho kho bạc Panama.
Để kênh vận hành bình thường, cần đến nguồn nước từ 2 hồ nhân tạo Alajuela và Gatún. Ước tính, chúng cung cấp khoảng 200 triệu lít nước để mỗi con tàu có thể đi qua. Ở kênh đào Panama, nước mưa là nguồn năng lượng giúp tàu di chuyển qua âu thuyền, có chức năng giống như thang máy nâng tàu lên độ cao 26 mét so với mực nước biển để kết nối hệ thống đường thủy liền kề có mực nước chênh lệch nhau.
Tình trạng thiếu nước đáng báo động
Cả Alhajuela và Gatún đều được chính quyền ghi nhận là bị ảnh hưởng mạnh bởi mùa hạn hán năm nay, kéo dài từ tháng 1 đến tháng 5. Cụ thể, từ ngày 21 tháng 3 đến ngày 21 tháng 4, mực nước ở Alhajuela giảm từ 69 xuống 62 mét, trong khi Gatún giảm từ 25,6 xuống 25,2 mét.
Đem tới một tin tức bi quan khác, Luz de Calzadilla, tổng giám đốc tại viện khí tượng và thủy văn của Panama, cho biết: “Hiện tượng khí hậu El Nino có khả năng sẽ làm giảm lượng mưa trong nửa cuối năm.”
Hệ quả tất yếu
Việc thiếu mưa ảnh hưởng gây ra 3 vấn đề: giảm trữ lượng nước; ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế; và nguy cơ xung đột.
Thứ nhất, giảm trữ lượng nước sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của người dân sinh sống xung quanh hồ, đặc biệt là các hoạt động có liên quan trực tiếp tới hồ như nông nghiệp, đánh bắt thủy hải sản.
Thứ hai, kinh doanh bị tác động do cơ quan quản lý buộc phải giảm độ cao mớn nước (độ chìm của tàu). Đây đã là lần thứ 5 Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) phải hạn chế độ sâu của các tàu lớn nhất đi qua kênh đào. Trong số các loại tàu chịu tác động, có dòng tàu Neo Panamax, vốn là những tàu lớn nhất và trả nhiều phí nhất khi đi qua kênh. Do vậy, lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua kênh cũng trượt dốc.
Thứ ba, tình trạng thiếu hụt dẫn đến sự chênh lệch về nguồn cung nước giữa các vùng của Panama đã gây ra một số cuộc biểu tình.
Lo sợ rằng các công ty vận chuyển có thể chuyển sang các tuyến khác, các nhà chức trách Panama đang tìm kiếm các giải pháp thay thế để đảm bảo hoạt động lâu dài của kênh đào. Jorge Quijano, một cựu quản lý của kênh, đã đưa ra một đề xuất táo bạo: “Điều quan trọng là phải tìm ra các nguồn nước mới, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay. Nếu không có hồ chứa mới, tình trạng hiện tại sẽ sớm ngăn cản khả năng phát triển của kênh.”
Thảo Trịnh