Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership – CPTPP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Nó được ký kết và có hiệu lực vào năm 2018 sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP – Hiệp định tiền thân của CPTPP) vào năm 2017.
Tại thời điểm ký kết, CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Nhật Bản (JEFTA) và Liên minh châu Âu (EU); có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân; tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Ngay sau khi CPTPP được ký kết tháng 3/2018 tại Chile, nhiều nền kinh tế đã bày tỏ nguyện vọng được gia nhập Hiệp định. Thậm chí, một số nền kinh tế đã mong muốn tham gia khi CPTPP còn là Hiệp định TPP khi Mỹ còn là một thành viên.
Anh gia nhập CPTPP
Vương quốc Anh cũng không nằm ngoài danh sách những nền kinh tế mong muốn gia nhập CPTPP. Bằng chứng là nước này đã bắt đầu đàm phán để được tham gia CPTPP từ 2 năm trước, tháng 6/2021. Tới hè năm nay, nguyện vọng của Anh mới chính thức được phê duyệt khi kết thúc đàm phán để tham gia vào ngày 31/3/2023 và ký Nghị định thư gia nhập vào ngày 16/7/2023 tại Auckland, New Zealand.
Bộ trưởng bộ Kinh doanh và Thương mại Kemi Badenoch, người thực hiện ký Nghị định thư, bày tỏ niềm vui: “Tôi rất vui khi được đến New Zealand để ký một thỏa thuận mà sẽ là động lực lớn cho các doanh nghiệp Anh và mang lại hàng tỷ bảng Anh trong thương mại bổ sung, cũng như mở ra những cơ hội to lớn và chưa từng có nhờ vào việc tiếp cận một thị trường hơn 500 triệu dân”.
Giờ đây, khi hiệp định đã được ký kết, các quy trình lập pháp cuối cùng có thể bắt đầu ở Vương quốc Anh và các quốc gia CPTPP khác. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau khi Vương quốc Anh và các bên thuộc CPTPP hoàn tất những thủ tục pháp lý cần thiết, trước khi có hiệu lực từ 2024.
Cánh cửa kinh tế mở rộng cho Anh
Thỏa thuận mới sẽ giảm bớt thủ tục quan liêu trong thương mại giữa Vương quốc Anh và các nước CPTPP, đơn giản hóa quy trình xuất nhập khẩu và cải thiện môi trường kinh doanh giữa các quốc gia thành viên trong khối.
Trở thành một phần của CPTPP có nghĩa là hơn 99% hàng hóa xuất khẩu từ Vương quốc Anh sang các nước CPTPP sẽ đủ điều kiện được hưởng mức thuế bằng 0. Ví dụ, nông dân chăn nuôi bò sữa sẽ được hưởng lợi từ việc giảm thuế xuất khẩu pho mát và bơ sang Canada, Chile, Nhật Bản và Mexico.
Hơn nữa, thỏa thuận này là cửa ngõ dẫn đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn, nơi sẽ chiếm phần lớn tăng trưởng toàn cầu và khoảng một nửa số người tiêu dùng trung lưu trên thế giới trong những thập kỷ tới, mang lại nguồn nhân công dồi dào cho các doanh nghiệp Anh.
Tuy vậy, bất chấp sự lạc quan của chính phủ, thông tin Vương quốc Anh gia nhập CPTPP vẫn vấp phải sự hoài nghi lớn. Thời gian sẽ trả lời những gì nền kinh tế Vương quốc Anh có thể đạt được từ thỏa thuận này và các doanh nghiệp Vương quốc Anh sẽ tận dụng nó ở mức độ nào trong chuỗi cung ứng toàn cầu của riêng họ.
Mai Thảo