Vải
Năm nay, giá vải thiều trong nước đang ở mức khá cao so với những năm trước. Giá vải đầu mùa dao động từ 30,000-40,000 đồng/kilo nhưng đến hiện tại, loại bình thường rơi vào khoảng 20,000-25,000 đồng/kilo, loại đẹp 25,000-30,000 đồng/kilo, cao nhất mới được 35,000 đồng/kilo – theo như người dân trồng vải tại Bắc Giang.
Vải thiều Việt Nam được đánh giá là có chất lượng tốt nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có trên 50% tổng sản lượng vải thiều được xuất khẩu sang gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Loại cây này được trồng chủ yếu ở một số tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Bắc Giang, nơi được coi là “thủ phủ của vải thiều” của cả nước.
Năm 2015, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc và các nước ASEAN, lần đầu tiên vải thiều được xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Đến đầu năm 2020, sau nhiều nỗ lực đàm phán, vải Việt Nam cuối cùng đã được chấp nhận xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Singapore.
Từ khi chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị thu được từ quả vải đã tăng lên gấp nhiều lần.
Tại Nhật Bản, vải thiều Việt Nam được đóng trong hộp nhỏ 200gr và bán với giá dao động từ 350,000-500,000 đồng/kilo, cao gấp hơn 10 lần ở thị trường trong nước. Theo ông Vũ Hồng Nam – Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, vải rất khó trồng ở Nhật Bản vì đây là nước ôn đới. Sản lượng vải trồng tại đây chỉ đóng góp khoảng 5% thị phần tiêu thụ ở Nhật, do đó vải được coi là mặt hàng cao cấp và được bán với giá rất cao.
Đối với thị trường Singapore, giá bán vải năm nay đã cao hơn năm ngoái, với mức giá khuyến mãi là 105,000 đồng/kilo và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 120,000 đồng/kilo trong những tuần tiếp theo. Vải được đóng hộp và bày bán trên toàn bộ 230 siêu thị của FairPrice – tập đoàn bán lẻ chiếm 70% thị phần tại Singapore, mở rộng quy mô hơn hẳn so với năm ngoái. Dự kiến cho đến cuối tháng 7/2021, khối lượng xuất khẩu vải sang Singapore có thể lên đến 100 tấn khi mà mỗi tuần quốc gia này tiêu thụ ít nhất 1 container 40 feet.
Tùy theo từng quốc gia trong khối EU mà giá vải có sự dao động nhất định. Tại Pháp, vải bán buôn rơi vào khoảng 2,5 – 3 euro/kilo và 4 – 5 euro/kilo khi bán lẻ. Trong khi đó, tại thị trường Anh, vải thiều được đóng gói trong các túi/hộp 300-400 gram, với giá trung bình từ 5 – 7 Anh/kilo. Tại đây, ngoài quả tươi, vải còn được chế biến thành một số món ăn, ví dụ như thành phần thêm trong món Halibut có hạt điều, vải ăn với salad miso, hay thêm nếm trong salad hàu trộn cùi dừa.
Thanh long
Tại khu vực Châu Á, Việt Nam đứng đầu về sản lượng thanh long với khoảng 50,000 ha diện tích trồng, trong đó, giống ruột trắng chiếm 95% sản lượng và giống ruột đỏ chiếm khoảng 4,5%.
Thanh long là mặt hàng truyền thống đối với người tiêu dùng gốc Á nói chung và gốc Việt nói riêng ở Mỹ. Tại Mỹ, do cộng đồng người Á khá đông nên nhu cầu tiêu thụ thanh long ở đây tương đối lớn. Được biết, thanh long Việt được bán chủ yếu tại các chợ và siêu thị của người Hoa, người Việt, và có giá dao động từ 130 – 180,000 đồng/kilo tùy thời điểm.
Ngoài ra, hiện thanh long cũng là loại trái cây được xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản, chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong hơn 1,000 tấn nước này nhập khẩu mỗi năm. Thanh long Việt được trực tiếp bày bán tại các siêu thị của người Nhật với giá khoảng 10 USD/kilo, cao hơn nhiều so với mức giá 17,000-20,000 đồng/kilo tại Việt Nam.
Sầu riêng
Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, đầu ra ách tắc khiến nhiều mặt hàng nông sản đang rớt giá thê thảm nhưng trái sầu riêng tại ĐBSCL thì vẫn bán được giá và đắt hàng. Giá thị trường sầu riêng hiện nay được thương lái thu mua từ 60,000 – 80,000 đồng/kilo, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân giá tăng là do các địa phương có diện tích sầu riêng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, thời tiết bất lợi, tỉ lệ đậu trái thấp nên sản lượng sầu riêng năm nay thấp hơn rất nhiều.
Không chỉ phục vụ cho tiêu dùng trong nước, sầu riêng cũng là một loại trái cây được ưa chuộng tại nhiều thị trước quốc tế, đặc biệt là các mặt hàng sầu riêng đông lạnh cả quả, đông lạnh nguyên múi, hoặc múi tách hạt. Giá bán sầu riêng đông lạnh tại Trung Quốc nằm trong khoảng ¥40-45/kilo (160,000 đồng/kilo), tại Mỹ là khoảng 11-15 USD/kilo (253,000-345,000 đồng/kilo) còn tại Australia xấp xỉ 15 AUD một kilo (tương đương 10,2 USD/kilo).
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên, chủ yếu là qua đường tiểu ngạch nên chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế. Hiện tại Việt Nam đang nỗ lực đàm phán để có thể xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc với mong muốn tạo cơ hội để sầu riêng Việt Nam được nhiều người biết đến hơn.
Trong khi đó tại thị trường Úc, các sản phẩm sầu riêng đông lạnh vẫn áp đảo do có thể bảo quản được lâu, đồng thời vận chuyển khá thuận lợi. Theo nghiên cứu, sầu riêng đông lạnh thậm chí có thể thay thế hoàn toàn được cho sầu riêng tươi.
Xoài
Thời điểm đầu mùa, nhiều loại trái cây đồng loạt tăng giá, duy chỉ có xoài đi ngược lại xu hướng này khi giá thu mua giảm đến hơn một nửa, xuống mức trung bình từ 3,000-8,000 đồng/kilo. Một thương lái tại tỉnh Long An cho biết, ông đang thu mua xoài keo với giá 4,000 – 5,000 đồng/kilo, xoài Cát Chu giá từ 9,000 – 10,000 đồng/kilo, xoài Đài Loan 12,000 – 14,000 đồng/kilo và xoài cát Hòa Lộc giá 15,000 – 17,000 đồng/kilo.
Tuy nhiên, giá xoài bán tại các siêu thị và chợ đầu mối nông sản vẫn ở mức cao. Cụ thể, tại các siêu thị, xoài cát chu có giá 24,000 đồng/kilo, xoài keo da vàng 29,000 đồng/kilo, xoài Tứ Quý 35,000 đồng/kilo, xoài Thái 37,000 đồng/kilo, xoài cát Hòa Lộc 53,000 đồng/kilo, v.v.
Trong quý 1/2021, tình hình có vẻ đảo chiều khi các loại trái cây khác đều chứng kiến sự suy giảm giá trị xuất khẩu nhưng theo ước tính, giá trị xuất khẩu xoài tăng 16,5% so với cùng kỳ năm trước.
Kể từ năm 2019, xoài đã trở thành loại trái cây thứ sáu của Việt Nam được cấp phép vào thị trường Mỹ. Giá xuất khẩu bình quân ở mức cao, đạt 2,2 USD/kilo, tăng 2,5% so với năm 2019, cao hơn nhiều so với giá bình quân xoài nhập khẩu vào Mỹ năm 2020 (1,26 USD/tấn).
Nhu cầu xoài ở Mỹ được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới, đặc biệt với xoài hữu cơ. Người Mỹ ưa chuộng xoài Việt Nam nhờ chất lượng và độ thơm ngon. Họ sẵn sàng mua với giá cao hơn so với xoài nhập khẩu từ các nước khác. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng thị phần tại thị trường này.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất khi cung cấp xoài vào Mỹ là sự cạnh tranh với các nước xuất khẩu láng giềng của quốc gia này. Bất lợi do phải vận chuyển xa, vì vậy các doanh nghiệp xuất khẩu xoài của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào khâu bảo quản cũng như hình thức để đảm bảo giữ được độ tươi ngon khi đưa vào Mỹ.
Ngoài ra, xoài Việt Nam còn ghi dấu ấn tại thị trường Hàn Quốc khi trở thành nhà cung ứng xoài lớn thứ 4 (chiếm 6,2% tổng lượng nhập khẩu xoài) của quốc gia này, theo thống kê vào năm 2020. Theo trang thương mại điện tử Gmarket, giá xoài xanh keo dao động từ 10 – 20 won (200,000-400,000 đồng), giá xoài chín KingMango thì rơi vào khoảng 10 won (tương đương 200,000 đồng).
Lô xoài Cát Chu đầu tiên được xuất khẩu vào Nhật Bản vào cuối năm 2015. Tại các siêu thị bán lẻ ở Nhật Bản, xoài Cát Chu có giá khoảng 8 – 10 USD/kilo (200,000 – 230,000 đồng/kilo). Tuy nhiên, ngược lại với Mỹ và Hàn Quốc, lượng tiêu thụ xoài tại Nhật Bản lại có xu hướng bị giảm do không cạnh tranh được với những loại khác. Quả sớm bị héo vỏ, chín nhanh và dễ hỏng vì công nghệ bảo quản chưa tốt, hơn nữa chi phí vận chuyển còn khiến cho giá thành bị đội lên cao.
Nhìn chung, hoa quả Việt Nam được bày bán tại các thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, v.v là một điều vô cùng đáng mừng. Điều này không chỉ giúp mở rộng quy mô tiêu thụ, mà còn là một sự khẳng định chất lượng và uy tín cho nông sản của nước ta. Trái cây Việt giờ đây đã có được chỗ đứng nhất định trên thị trường quốc tế và hy vọng trong tương lai, chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều thành tích nữa của nông sản Việt Nam.
Minh Ngô, Đình Tùng
Đọc thêm: Nông sản Việt khi ra thế giới