Sản lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới
Trong một báo cáo đệ trình lên chính phủ liên bang đầu tháng 12 thì theo đó, Mỹ chính là “thủ phạm” thải ra nhiều rác thải nhựa nhất. Sự ra đời của chất dẻo giá rẻ và đa năng đã tạo ra một “cơn đại hồng thuỷ rác thải nhựa” trên quy mô toàn cầu và nước Mỹ là quốc gia đóng góp hàng đầu.
Trên toàn thế giới, ít nhất 8,8 triệu tấn rác thải nhựa thải vào môi trường biển mỗi năm, tương đương với việc mỗi phút có một xe rác chứa đầy nhựa đổ ra biển. Rác thải nhựa ở Mỹ cũng tăng mạnh từ năm 1960. Quốc gia này hiện tạo ra khoảng 42 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tương đương mỗi người Mỹ thải ra 130kg rác thải. Con số này nhiều hơn tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu cộng lại.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng tái chế không bắt kịp tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nhựa. Việc xả rác, đổ rác và xử lý chất thải không hiệu quả đã khiến 2,2 triệu tấn nhựa “rò rỉ” ra môi trường mỗi năm, bao gồm chai nhựa, ống hút, bao bì v.v. Cùng với đó, Mỹ cũng là quốc gia xuất khẩu rác thải nhựa hàng đầu thế giới.
Không quốc gia nào muốn biến thành sân sau của Mỹ
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Last Beach Cleanup, một nhóm vận động bảo vệ môi trường có trụ sở tại California, hơn 75% lượng rác thải nhựa nhập khẩu được đưa đến Mexico. Quốc gia này đã nhận hơn 32.650 tấn rác thải nhựa từ Mỹ trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 8 năm 2020. El Salvador đứng thứ hai với 4.054 tấn và Ecuador đứng thứ ba với 3.655 tấn.
Trong khi các chất thải độc hại nhập khẩu phải chịu thuế quan và các hạn chế, rác thải nhựa hiếm khi phải tuân thủ điều này. Từ tháng 1/2021, rác thải nhựa tái chế sẽ không bị coi là nguy hại theo luật quốc tế. Nhưng khi vào các nước nhập khẩu, rác thải nhựa lại chỉ kết thúc ở những bãi rác, theo một nghiên cứu của Liên minh toàn cầu về các giải pháp thay thế đốt rác (Global Alliance on Incinerator Alternatives – GAIA).
Một báo cáo của GAIGA công bố vào tháng 7 cũng dự đoán sự tăng trưởng trong lĩnh vực rác thải nhựa của Mỹ Latinh, do các công ty ở Mỹ và Trung Quốc đầu tư vào các nhà máy tái chế trên khắp khu vực để xử lý nhựa xuất khẩu của Mỹ.
Fernanda Solíz, giám đốc lĩnh vực sức khoẻ tại Đại học Simón Bolívar ở Ecuador, nói rằng châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean không phải sân sau của Mỹ. “Chúng tôi là lãnh thổ có chủ quyền và chúng tôi yêu cầu tôn trọng các quyền về thiên nhiên và con người của chúng tôi”, Solíz nói.
Rác thải nhựa do Mỹ thải ra để lại rất nhiều hậu quả, gây tác động đến môi trường sống các cộng đồng nội địa và ven biển, gây ô nhiễm môi trường và đặt gánh nặng kinh tế lên các nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Vào tháng 5/2019, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã đồng ý ngăn chặn dòng rác thải nhựa từ các nước phát triển ở phía bắc bán cầu sang các quốc gia nghèo hơn ở phía nam. Theo sửa đổi về nhựa trong Công ước Basel, rác thải nhựa từ các tổ chức tư nhân ở Mỹ bị cấm xuất khẩu sang các quốc gia đang phát triển nếu không có sự cho phép của chính quyền địa phương.
Nhưng nghiêm trọng hơn, Mỹ đã không phê chuẩn thoả thuận và bị cáo buộc tiếp tục đổ chất thải của mình sang các quốc gia khác trên thế giới, bao gồm châu Phi, Đông Nam Á, Mỹ Latinh.
Mạnh Nguyễn
Mỹ: Doanh số bán hàng dịp lễ đạt kỷ lục sau 17 năm