Tình hình sản xuất công nghiệp ở Đức và Pháp
Theo số liệu do Cơ quan Thống kê quốc gia Đức Destatis công bố ngày 5/11, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 đã giảm 1,1% so với tháng 8. Trước đó vào tháng 8, sản lượng cũng đã chứng kiến sự sụt giảm khoảng 3,5% so với tháng 7. Xét trên cơ sở hàng năm, sản lượng công nghiệp của Đức đã giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn 9,5% so với thời điểm trước khi bùng dịch vào tháng 2/2020.
Trong đó, sản xuất vật liệu sản xuất và hàng hóa trung gian lần lượt giảm 2,8% và 1,1%. Một số ngành sản xuất khác có xu hướng tăng nhưng không đáng kể. Cụ thể, sản xuất hàng tiêu dùng tăng nhẹ 0,2%; sản xuất xe có động cơ, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tăng 2,1% sau khi giảm 18,9% vào tháng 8 năm 2021. Nhìn chung, sản lượng công nghiệp ở Đức trong tháng 9 vẫn sụt giảm đáng kể, điều này khiến một số nhà phân tích không ngờ đến vì họ đã kỳ vọng mức sản lượng sẽ tăng trong năm nay.
Tại Pháp, theo Cơ quan thống kê Insee, sản lượng công nghiệp trong tháng 9 cũng giảm 1,8% so với tháng trước đó. Đặc biệt, sản xuất thiết bị vận tải giảm nhiều nhất khoảng 8,4 % so với tháng 8 và giảm 29,8% so với thời điểm trước dịch.
Airbus, hãng sản xuất máy bay của Pháp cũng cho biết họ đã bàn giao 36 máy bay trong tháng 10, giảm hơn một nửa so với hồi tháng 9 (76 máy bay) do một số nhà cung cấp đang gặp khó khăn trong việc tăng cường sản xuất linh kiện sau hơn 1 năm hoạt động sản xuất bị đình trệ.
Sản lượng các ngành sản xuất khác đa số cũng giảm so với tháng trước đó. Cụ thể, sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế giảm 2,3%, các ngành sản xuất khác giảm 0,8%, ngành khai thác đá, năng lượng, cung cấp nước và sản xuất thực phẩm, đồ uống đều giảm 0,7%.
Thiếu hụt nguồn cung ứng nguyên vật liệu
Nhà kinh tế Elmar Voelker tại ngân hàng LBBW, Đức, nhận định nguyên nhân chính khiến sản lượng công nghiệp sụt giảm là do chuỗi cung ứng thế giới đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu đầu vào.
Các nền kinh tế mở cửa trở lại khiến nhu cầu tăng cao, tuy nhiên, một số nước tái áp đặt các lệnh phong tỏa mới để chống dịch COVID-19 cùng với cuộc đình công của tài xế, gây ra sự chậm trễ trong khâu vận chuyển.
Tất cả đã đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp và đẩy lạm phát tăng cao cùng sự gia tăng nghi ngờ về triển vọng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Huyền Tú
ĐỌC THÊM:
Australia: Nỗ lực “gỡ rối” tình trạng thiếu hụt pallet