Cảng container Cái Mép – Thị Vải gần đây đã đón con tàu Seroja Lima với trọng tải 12.000 TEU, thuộc dịch vụ TP17 của liên minh 2M. Đây được xem là một cột mốc mới đối với phức hợp các cảng sâu phía Nam Việt Nam.
Con tàu Seroja Lima đã cập bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) – vận hành bởi APM Terminals và chiếm 25% trong tổng lượng hàng hóa lưu thông trên tổ hợp cảng Cái Mép – Thị Vải.
Tốc độ phát triển mạnh mẽ
Ông Jan Bandstra – Tổng giám đốc cảng CMIT cho biết, sản lượng lưu thông qua CMIT đã ghi nhận mức tăng trưởng cao trong xu thế phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam, đặc biệt, cảng container này chứng kiến sự tăng vọt “chưa từng thấy” trong hoạt động xuất khẩu, phần lớn là hàng hóa vận chuyển đến thị trường Mỹ.
CMIT hiện tại có mặt trong hai dịch vụ đi bờ Tây và bờ Đông Hoa Kỳ của 2M, và hai dịch vụ tương tự từ phía liên minh Ocean Alliance.
Ông Bandstra chia sẻ với tờ báo The Loadstar: “Trong vòng 04 năm qua, sản lượng hàng hóa lưu thông trên các tuyến chính từ CMIT đã tăng hơn 20%, chủ yếu liên quan đến giao thương xuyên Thái Bình Dương. Vì vậy, hiện tại, cảng đang hoạt động tương đối tối với tỷ lệ sử dụng được ước lượng ở mức 90%.”
Thành tích này thể hiện sự phát triển vượt bậc của cảng CMIT khi so sánh với số liệu của 05 năm trước. Sau khi cảng CMIT được xây dựng và đi vào vận hành, mức trọng tải cảng tiếp nhận chỉ đạt 35% và nhiều nhà phân tích đánh giá cảng CMIT như “một chú voi trắng” trong ngành vận hành cảng trên thế giới và là ví dụ điển hình cho sự hoạch định kém cỏi.
Rốt cuộc thì các nhà vận hành đã có thể vui mừng với kết quả hoạt động hiện tại của cảng CMIT.
Thực tế, trong khi nhiều bên gửi hàng có xu hướng lựa chọn các cảng sông ở Cát Lái nhờ vào khoảng cách gần với thành phố Hồ Chí Minh (chỉ 50km), những hạ tầng này hiện tại đang quá tải, và vì vậy, các con tàu lớn sẽ lựa chọn trực tiếp cập bến vào khu vực Cái Mép. Trên tổng số 11 triệu TEU tiếp nhận ở khu vực miền Nam năm 2019, Cái Mép ghi nhận 3,7 triệu TEU, tăng 25% so với năm trước đó.
Cơ hội đón các con tàu kích cỡ lớn
Theo ông Bandstra, lượng hàng hóa giao thương tăng lên cũng đồng nghĩa với việc nhiều con tàu với kích cỡ trung bình và lớn (14.000 – 16.000 TEU) đang và sẽ tiếp tục cập bến các cảng ở Việt Nam.
CMIT là cảng duy nhất ở Cái Mép được cấp phép tiếp nhận các con tàu siêu trọng từ 18.000 TEU trở lên, và thực tế, cảng CMIT đã từng đón nhiều con tàu như vậy của hãng CMA CGM trên tuyến châu Á – châu Âu trong 06 tháng năm ngoái, trước khi dịch vụ này bị thay đổi và chỉ sử dụng các con tàu 14.000 – 15.000 TEU.
Ông Bandstra cũng thể hiện sự lạc quan về lượng tàu lớn cập bến trực tiếp vào cảng CMIT sẽ tăng lên trong tương lai, sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực (dự kiến từ ngày 01/08).
CMA CGM là hãng tàu đang đầu tư mạnh vào cảng Cái Mép, với 25% vốn góp trong dự án liên doanh với Gemadept để xây dựng cảng quốc tế mới nhất ở Cái Mép – Gemalink Int’l Port, dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2021 với năng lực tiếp nhập giai đoạn I tương đương 1,5 triệu TEU.
Thách thức
Một đối thủ cạnh tranh lớn của CMIT là cảng quốc tế Tân Cảng – Cái Mép – liên doanh giữa Tân Cảng Sài Gòn, MPL, Wan Hai, Hanjin Transport cùng sự hỗ trợ từ phía ONE và liên minh THE Alliance. Tân Cảng – Cái Mép cũng là cảng hiện đang nắm giữ thị phần cao nhất trong khu vực.
Một khía cạnh cần cải thiện để nâng cao năng lực hoạt động của cảng CMIT là mạng lưới đường bộ và sà lan kết nối với các trung tâm sản xuất trọng yếu xung quanh.
Theo ông Bandstra, nhìn nhận từ phía người gửi hàng, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ từ kho hàng đến cảng Cái Mép cho dù nhanh hơn, linh hoạt hơn và không cần ghé vào các cảng cạn, tuy nhiên, chi phí lại gấp 3 đến 4 lần so với phương án sử dụng sà lan. Vì vậy, để tối ưu hóa vận hành và chi phí, CMIT đã giới thiệu hệ thống đặt sà lan để tận dụng tốt các cần trục STS của cảng.
Cơ hội
Dưới tác động của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19, Việt Nam nói chung và Cái Mép nói riêng sẽ có nhiều cơ hội từ chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng “Trung Quốc + 1” sang khu vực Đông Nam Á của các doanh nghiệp sản xuất và nhiều cường quốc trên thế giới.
Ông Bandstra nhấn mạnh Việt Nam sẽ là một lựa chọn tốt cho chính sách chuyển dịch chuỗi cung ứng của nhiều quốc gia, mặc cho các xung đột về địa chính hay kinh tế trên thế giới. Xu hướng này chắn chắn sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu thương mại tự do, đồng thời, tạo cơ hội để gắn kết chặt chẽ hoạt động giao thương trên cảng biển và các hoạt động sản xuất trong nội địa.
Biên dịch: Dandelion