‘Big 3’ của Trung Quốc
Ngành sản xuất container đã chuyển từ Hàn Quốc sang Trung Quốc vào những năm 1990. Trung Quốc đã tăng thị phần kể từ đó và đã hoàn toàn thống trị thị trường này trong vòng 15 năm qua. Quý đầu tiên của năm nay, ba công ty sản xuất container hàng đầu của Trung Quốc chiếm 82% sản lượng container toàn cầu, theo dữ liệu của Drewry, một công ty tư vấn của Anh.
China International Marine Containers (CIMC) sản xuất 580.000 TEU, chiếm 42% thị phần; Dong Fang International Containers, 358,000 TEU (26%); và CXIC Group 200.000 TEU (14%). Theo Drewry, một công ty tư vấn của Anh, thị phần tương tự trong cả năm 2020, khi tổng cộng 3,1 triệu TEU đã được sản xuất.
Các nhà máy đang hoạt động khác so với trước đây
Từ đầu năm 2017 đến 2020, giá container giảm tương đối mạnh khiến cho các nhà sản xuất hưởng mức lợi nhuận biên thấp. Vì vậy, ba công ty lớn này đã quyết định hỗ trợ bằng cách xây dựng một số hình thức định giá cho các container, cụ thể là container hàng khô.
Cuối năm 2019, giá chỉ là $1,650- $1,750/TEU và họ mong muốn mức giá tối thiểu sẽ là $2,000. Sau thời gian giãn cách xã hội và kinh tế bị đình trệ trong quý đầu tiên của năm 2020, ba công ty này bắt đầu tăng giá. Với nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Châu Âu, giá cả nhanh chóng tăng vọt, đạt mức 3.500 đô la vào cuối năm 2020.
Theo Tim Page – chủ tịch tạm thời kiêm Giám đốc điều hành của công ty cho thuê thiết bị container CAI International (NYSE: CAI), khẳng định “Các nhà máy đang hoạt động khác với trước đây. Họ không quan tâm đến việc tăng sản lượng với mức giá đang phải trả. Họ tập trung hơn vào việc duy trì giá container cao ”.
Khi được hỏi về bình luận của Page, John Fossey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu cho thuê và thiết bị container tại Drewry nói, “Điều đó hoàn toàn hợp lý. Đó chính xác là chiến lược mà họ đã áp dụng. Các nhà máy này có thể làm hai ca 12 giờ một ngày, nhưng họ không muốn làm container tràn ngập thị trường vì họ muốn giữ giá ở mức hiện tại hoặc có thể thấp hơn một chút. Họ không muốn giảm xuống còn 1.750 đô la hoặc 1.800 đô la ”.
Sản xuất tại Trung Quốc đang tăng mạnh
Theo nghiên cứu của Drewry, về nguyên tắc, hiện nay có đủ container để đáp ứng nhu cầu thương mại toàn cầu. Vấn đề là tất cả chúng đều ở sai vị trí, do sự tắc nghẽn đã khiến vận tốc của các container di chuyển chậm hơn đáng kể .
Trong khi đó, sản lượng của Trung Quốc hiện đang rất cao. Trong bốn tháng đầu năm nay, các nhà máy của Trung Quốc có thể bắt kịp kỷ lục 4,4 triệu TEU của năm 2018, tương đương với mức tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại sao Mỹ không thể cạnh tranh?
Tưởng chừng như chế tạo container là việc rất đơn giản ở Mỹ, song trên thực tế, một container do Mỹ sản xuất không thể cạnh tranh so với Trung Quốc.
Vấn đề đầu tiên là thép, một nguyên liệu rất quan trọng, ước tính rằng thép Corten (bị phong hóa) chiếm khoảng 60% tổng chi phí xây dựng một container. Theo dữ liệu do S&P Global Platts cung cấp, giá thép cuộn cán nóng của Mỹ trong thập kỷ qua đã cao hơn trung bình 28% so với Trung Quốc. Gần đây, giá thép của Hoa Kỳ đã tăng vọt lên gần gấp đôi giá ở Trung Quốc. Điều này làm chi phí sản xuất của Mỹ cao hơn nhiều lần so với Trung Quốc.
Vấn đề thứ hai nằm ở các yêu cầu sản xuất khác, vốn là lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc bao gồm từ chi phí lao động thấp hơn, hỗ trợ từ chính phủ cao hơn, v.v.
Ngoài ra, một lợi thế nữa đó là chi phí luân chuyển container rỗng. Những người cho thuê sẽ không phải chi trả chi phí quá lớn cho việc luân chuyển các container đến khu vực có nhu cầu bởi Trung Quốc đang là nơi sản xuất hàng hóa lớn trên thế giới. Tất cả điều đó đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho container từ Trung Quốc không chỉ so với Mỹ mà còn nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Minh Ngô