Doanh nghiệp Việt lao đao với cơn sóng dữ
Theo thông tin từ ông Đặng Đình Long, Tổng Giám đốc Công ty Logistics Mega A, giá cước tàu biển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu tăng mạnh so với tháng 3, với mức tăng chung khoảng 2 lần. Các hãng tàu hiện báo giá theo tuần chứ không còn kéo dài như trước từ 15 ngày đến 1 tháng. Tính đến thời điểm hiện tại, giá cước tàu nhiều chuyến quốc tế đã tăng 100% so với 3 tháng trước đó. Cụ thể, cước phí vận chuyển container 40 feet đến châu Âu dao động từ 7.800 – 8.000 USD, trong khi cước phí đến Mỹ ở mức 5.900 – 6.800 USD. Mức tăng giá này đang gây áp lực lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt khi Mỹ và châu Âu là hai thị trường xuất khẩu trọng điểm của nước ta. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/05 tới 06/06 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh việc cước phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và châu Âu tăng cao, cước phí vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam cũng tăng đột biến, lên đến 5 lần, từ mức 100 – 200 USD/container 40 feet lên 800 – 900 USD/container 40 feet. Điều này khiến cho chi phí nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Long, cước phí vận chuyển theo chiều ngược lại, từ Việt Nam sang Trung Quốc, lại đang ở mức 0 đồng do các hãng tàu chỉ thu phí địa phương.
Cơn sóng này từ đâu mà có ?
Mỗi năm giá cước tàu biển tăng cao đều có một dấu mốc đáng nhớ. Chẳng hạn năm 2021, giá cước tàu biển tăng do dịch COVID-19 và do tình trạng thiếu container rỗng. Đến năm 2022, giá cước tăng do ảnh hưởng của chiến tranh Nga và Ukraine. Và đến đầu năm nay, giá cước vận tải biển tiếp tục tăng “thẳng đứng”, bắt nguồn từ hai nguyên do chính:
- Theo các chuyên gia nhận định, việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất và tắc nghẽn các cảng lớn ở châu Á như Singapore hay Malaysia. Điều này khiến cho thời gian vận chuyển hàng hóa bằng đường biển tăng lên, từ đó kéo theo giá cước tàu tăng vọt.
- Ngoài ra, theo một số doanh nghiệp, do chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới, nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ muốn “chạy deadline”, đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu trước tháng 8 để né thuế. Họ sẵn sàng trả cước vận tải cao hơn để giữ chỗ, chiếm container trước cho việc vận chuyển.
Kịch bản cho thị trường vận tải biển trong nước thời gian tới
Trích lời ông Phan Đình Quân, giám đốc Công ty TNHH tiếp vận EZ Shipping (Hà Nội), ông cho rằng trên thực tế, chi phí vận chuyển hiện chiếm trên 15% giá thành sản phẩm, song toàn bộ container rỗng tập trung hết về Trung Quốc do nước này sẵn sàng chi trả mức cước cao hơn các nước khác, nên dự đoán ở Việt Nam sẽ rất thiếu container rỗng, đẩy giá cước tàu biển tiếp tục tăng trong thời gian tới. Cũng theo dự báo của các chuyên gia, tình hình thị trường cho thấy, cước vận tải biển sẽ neo ở mức cao sang hết quý 3 năm nay.
Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nỗ lực trong ứng phó với đợt khủng hoảng giá cước tàu này bằng việc tìm cách giảm bớt chi phí giá cước tàu. Trong đó, phương án tìm nhà cung cấp thay thế tạm thời nhưng không có nguy cơ mất đơn hàng để tạm thời không gánh một chi phí lớn về giá cước phí được xem là phương án tối ưu nhất. Thậm chí, chúng ta có thể tính đến phương án dồn hàng xuất khẩu vận chuyển bằng máy bay hoặc có thể sẽ phải tạm ngừng xuất khẩu với những đơn hàng kém quan trọng, hoặc xin giãn thời gian giao hàng… Còn theo Bộ Công thương, doanh nghiệp nên tính đến cả phương án chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường thuận lợi hơn, gần kề hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT công ty CP thực phẩm Sao Ta thông tin, đối với cước vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm, trong khi các tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia giá ổn định hơn.