Vải thiều Việt Nam: Được giá mất mùa
Năm nay, vải thiều Bắc Giang mất mùa, dự tính sản lượng giảm một nửa so với 2023 còn 100.000 tấn, trong đó một nửa là vải sớm. Anh Giang, xã Thanh Sơn, tuy chăm sóc vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP cũng không tránh khỏi cảnh mất mùa, sản lượng dự kiến của gia đình sẽ giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Một hộ gia đình khác cũng cho biết sản lượng của họ có thể giảm đến hơn 90% trên 300 gốc.
Không chỉ tại Bắc Giang, các hộ trồng tại Hưng Yên, Hải Dương và các vùng Tây Nguyên cũng phải chịu cảnh tương tự. Cụ thể, theo thống kê của Sở Nông nghiệp Hưng Yên dự báo, năm nay cả tính sản lượng đạt 13.000-14.000 tấn, giảm 30% so với năm ngoái. Sản lượng trên toàn tỉnh Hải Dương cũng sẽ giảm còn khoảng 45.000 tấn (bằng 77% so năm ngoái).
Việc mất mùa đã đẩy giá vải lên cao hơn rất nhiều so với năm ngoái. Cụ thể, bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam cũng cho biết, giá vải chín sớm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu được các doanh nghiệp đang có giá là 40.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với thời điểm này năm 2023. Hơn nữa, tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, giá vải bán lẻ bình quân tại các cửa hàng vào khoảng 70.000-80.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái.
Đơn hàng vải thiều xuất Nhật tiếp tục gia tăng
Tuy gặp phải tình trạng mất mùa, nhưng những đơn đặt hàng từ thị trường Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng. Trong những năm gần đây, vải thiều Việt Nam luôn nhận được những phản hồi tích cực từ thị trường khó tính này. Nhìn chung, các vùng vải thiều chính vụ ở Bắc Giang và Hải Dương đang thu hút nhiều doanh nghiệp từ các thị trường Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU… đến khảo sát để phục vụ xuất khẩu.
Cụ thể, đối với tập đoàn Aeon, ông Naoki Matsuda cho biết, năm nay doanh nghiệp dự kiến sẽ đưa khoảng 30 tấn vải thiều Việt Nam vào Nhật Bản (tăng 120% so với năm 2023), nhằm thúc đẩy vải thiều Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nhật qua hệ thống Aeon. Ông cũng tiết lộ, trong thời gian qua, khách hàng Nhật Bản đều đánh giá cao về hương vị và chất lượng của trái vải nhập khẩu từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Rồng đỏ cũng dự kiến rằng sản lượng vải xuất sang thị trường Nhật Bản có thể tăng đến 40%. Rồng Đỏ hiện nay đang dành sự ưu tiên hàng đầu cho sản lượng vải xuất sang thị trường Nhật Bản, bởi các đối tác thị trường này đang rất ngóng chờ nên đã đặt rất sớm. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cố gắng duy trì mức tăng trưởng của vải u hồng xuất khẩu sang thị trường khác như Australia, Mỹ. Đặc biệt, từ đầu vụ đến nay, Công ty đã đưa khoảng 50 tấn vải sang các thị trường châu Âu, Australia, Mỹ, Canada.
Cầu tăng – Vì sao doanh nghiệp vẫn lo lắng?
Tuy nhiên, việc nhận được lượng đơn đặt hàng lớn chưa chắc đem lại cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều Việt Nam trong thời điểm này.
Thứ nhất, mặc dù trước đó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Ông Nguyễn Như Cường đã nhận định rằng việc giá vải tăng cao có khả năng mang lại lợi nhuận cho hộ trồng vải. Nhưng trên thực tế, doanh thu của người trồng vải sẽ chỉ bằng 80% của năm ngoái, dù cho giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua đã tăng gấp rưỡi.
Thứ hai, mất mùa cũng khiến các doanh nghiệp thu mua vải thiều cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng quốc tế. Về vấn đề này, bà Hồng cũng cho biết: “sản lượng vải thiều xuất khẩu từ các đối tác đặt hàng tăng 20% so với năm 2023, trong khi hiện tại, chúng tôi chưa chốt được giá với nông dân và đang rất lo không đủ hàng giao cho khách”.
Đồng thời, mất mùa cũng đẩy chi phí thu mua, xuất khẩu vải thiều của doanh nghiệp lên tương đối cao. Tại Hợp tác xã nông nghiệp Minh Tiến (Hưng Yên), nếu năm ngoái bán xô cả vườn với giá 15.000 đồng/kg vải lai thì năm nay chúng lại đang được thu mua với giá 23.000-25.000 đồng. Vì vậy, năm nay, giá vải thiều tươi xuất khẩu được doanh nghiệp này chào đối tác hơn 6 USD/kg, vải chế biến hơn 4 USD/kg, cả hai đều cao gấp 2 lần so với năm 2023 và sẽ còn có thể tăng cao trong thời gian tới. Điều này có thể làm mất đi lợi thế cạnh tranh về giá của hàng Việt trước những đối thủ khác như Đài Loan, Trung Quốc (đại lục), Mexico, từ đó khiến các doanh nghiệp thu mua đứng trước nguy cơ giảm sút doanh thu cũng như lợi nhuận sau xuất khẩu.
Vậy nên, tình trạng “được giá mất mùa” của vải thiều hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp chú ý hơn trong việc tập trung giữ vững năng lực cạnh tranh về giá và chất lượng của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trúc Quỳnh