Intel đầu tư xây dựng nhà máy mới
Nhà máy mới của Intel sẽ được đặt tại Bayan Lepas, gần một sân bay quốc tế tại bang Penang phía bắc Malaysia. Việc làm này sẽ đánh dấu việc mở rộng hoạt động đóng gói chip của Intel tại quốc gia này.
Dự kiến nhà máy mới của Intel sẽ bắt đầu sản xuất vào năm 2024. Theo Chính phủ Malaysia cho biết, khoản đầu tư 30 tỷ ringgit (tương đương 7,1 tỷ USD) dự kiến sẽ tạo ra hơn 4.000 việc làm cho Intel và hơn 5.000 việc làm trong lĩnh vực xây dựng.

Ông Mohamed Azmin Ali, Bộ trưởng Thương mại và Phát triển Quốc tế của Malaysia, cho biết: “Cam kết đầu tư của Intel vô cùng kịp thời trong bối cảnh thiếu hụt chip, cũng như các thách thức tiềm tàng đe dọa sự phục hồi của kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19.”
Intel đang phụ thuộc vào Malaysia trong một số hoạt động đóng gói chip, đây là công đoạn quan trọng cuối cùng trong quy trình sản xuất chip bán dẫn. Việc nhu cầu sử dụng chip tăng cao trong khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều nước đang áp dụng giãn cách xã hội, đình trệ hoạt động sản xuất đã gây ra nhiều khó khăn trong chuỗi cung ứng của nhiều lĩnh vực phụ thuộc vào chip.
Cuộc khủng hoảng này đã thúc ép Intel và nhiều nhà sản xuất chip khác phải liên tục tìm cách tăng sản lượng. Bên cạnh Malaysia, Intel mới đây đã khởi công dự án xây dựng hai nhà máy mới ở bang Arizona, Mỹ vào tháng 9/2021. Trong năm 2022 tới đây, tập đoàn này cũng hy vọng có thể công bố các địa điểm đặt nhà máy tiếp theo tại Mỹ và Châu u.
Thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn có thể kéo dài đến 2023
Tình trạng thiếu chip trở nên dai dẳng trong nhiều tháng qua, một phần do nhu cầu tăng cao với đồ điện tử, phần khác do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Nhiều ngành công nghiệp khác bị ảnh hưởng theo, từ sản xuất ô tô tới các sản phẩm điện thoại thông minh, v.v.
Theo ông Pat Gelsinger, CEO Intel cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn năm nay sẽ phát triển nhanh hơn so với hai đến ba thập kỷ qua. Nhưng vẫn còn những khoảng cách lớn. Tôi dự đoán rằng sự thiếu hụt nguồn cung sẽ kéo dài đến năm 2023.”

Mới đây, Tổ chức phi lợi nhuận World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) đã công bố dự báo mới nhất về nhu cầu linh kiện bán dẫn toàn cầu trong năm 2022. Trong đó, nhu cầu chip điện tử toàn cầu sẽ tăng thêm 8,8% lên mức cao kỷ lục mới trong năm tới, sau mức tăng 25,6% của năm nay.
Cụ thể, WSTS dự báo thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 601,49 tỷ USD vào 2022, cao hơn mức dự báo 552,96 tỷ USD vào năm 2021. Châu Mỹ được dự báo sẽ dẫn đầu về tăng trưởng nhu cầu chip điện tử toàn cầu trong năm tới với mức tăng 10,3%. Tiếp theo đó là Nhật Bản với mức tăng chỉ kém 1% (tăng 9.3%); khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 8,4% và châu u dự báo tăng 7,1%.
Thanh Thảo