Thứ tư tuần này (8/12), Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đề xuất một biện pháp phòng vệ thương mại mới để chống lại các nước ngoài Liên minh Châu Âu gây áp lực quá mức lên bất kỳ thành viên nào của khối, nhưng kế hoạch này đã phải đối mặt với sự hoài nghi của một vài quốc gia thành viên.
Nguyên nhân cho kế hoạch phòng vệ thương mại này
Nếu có hiệu lực, biện pháp mới có thể được triển khai dưới hình thức hạn chế thương mại hoặc đầu tư đối với Trung Quốc do áp lực mà nước này đang gây ra đối với Lithuania sau khi nó cho phép Đài Loan mở một đại sứ quán ở đây.
Trung Quốc đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva và các quan chức ở Vilnius (thủ đô của Litva) cho biết rằng Bắc Kinh cũng đã áp đặt các lệnh cấm xuất khẩu lên nước này và gây áp lực buộc các công ty ở các nước thứ ba không được kinh doanh với quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này.
Nhà lập pháp Reinhard Buetikofer cho biết: “Áp lực mà Trung Quốc gây ra đối với Lithuania là minh chứng cho thấy EU cần một công cụ hiệu quả để bảo vệ các quốc gia trong khối trước sự ép buộc kinh tế của các nước khác”.
Sự nghi ngờ của một vài quốc gia thành viên trong kế hoạch của EU
Đề xuất này sẽ cần được cả Nghị viện Châu Âu và nhóm các nước EU (hay còn gọi là Hội đồng Châu Âu) thông qua. Điều này đã làm dấy lên lo ngại giữa một số quốc gia thành viên khi mà họ vẫn chưa có cuộc thảo luận chuyên sâu nào về vấn đề này.
Pháp, nước sẽ giữ chức chủ tịch luân phiên của EU vào nửa đầu năm 2022 đã đưa ra quan điểm ủng hộ biện pháp này. Nhưng các quốc gia theo định hướng thị trường tự do hơn như Thụy Điển và Cộng hòa Séc thì lại coi kế hoạch này sẽ có khả năng lôi kéo EU vào các cuộc chiến thương mại ăn miếng trả miếng.
Họ nói rằng các biện pháp phòng vệ thương mại nên được xác định rõ ràng và các biện pháp chỉ nên được thực hiện nếu như có quốc gia nào vi phạm luật pháp quốc tế và chỉ khi hành động đó là vì lợi ích của EU.
Một số quốc gia thành viên EU cho biết họ sẽ cần có tiếng nói trong bất kỳ việc triển khai các biện pháp như vậy thay vì để các quyết định cho Ủy ban, cơ quan điều hành EU. Đối với các biện pháp trừng phạt được sử dụng trong chính sách đối ngoại, các chính phủ có quyền phủ quyết.
Các nhà ngoại giao của EU cũng cho biết rằng phải hết sức chú ý đến mức độ rộng lớn của biện pháp này bởi vì sau khi trở thành luật, đề xuất sẽ bổ sung vào kho các biện pháp của EU bao gồm việc lựa chọn đầu tư nước ngoài, giới hạn các công ty được hưởng lợi từ trợ cấp nước ngoài và hạn chế mua sắm đối với các doanh nghiệp của các quốc gia không mở cửa thị trường của họ.
Mạnh Nguyễn